Xăng dầu, thuốc chữa bệnh 'nóng' tại buổi thảo luận của Quốc hội

(PLO)- Trong buổi thảo luận tổ ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội tại TP.HCM kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết riêng để giải quyết các vấn đề cấp bách trong khi chờ sửa đổi luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Không chỉ riêng về việc thiếu hụt xăng dầu mà rộng hơn nữa là an ninh năng lượng, tại sao cả nước chỉ cóTP.HCM tình hình xăng dầu như thế? Vấn đề dự trữ xăng dầu đặt ra với những cơ chế để đầu tư như hiện nay liệu có tương xứng với một khu vực trọng điểm như TP.HCM hay không” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề mở đầu buổi thảo luận.

Hai bộ Tài chính - Công Thương cần vào cuộc nhanh hơn

Người đứng đầu UBND TP.HCM nhấn mạnh, những vấn đề trên, TP rất cần Trung ương hỗ trợ, phân tích và có giải pháp để giải quyết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề về xăng dầu tại buổi thảo luận. Ảnh Quang Phúc

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề về xăng dầu tại buổi thảo luận. Ảnh Quang Phúc

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP.HCM), cho biết “cú sốc” xăng dầu vừa qua do không đủ nguồn cung cho thị trường đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Đại biểu Tuấn cho rằng, nguyên nhân nằm ở sự phối hợp điều hành của hai Bộ Tài chính và Công Thương.

“Bộ Tài chính áp giá, Bộ Công Thương điều hành trực tiếp nhưng cả hai bộ chưa có sự phối hợp nhịp nhàng và sâu sát, có độ trễ rất lớn, rất dài khiến người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn” - ông Tuấn nói.

Giải pháp tới đây theo ông Tuấn, nếu hai Bộ Tài chính, Công Thương cần phối hợp nhịp nhàng hơn. Nếu chưa khắc phục được về giá cả và các vấn đề có liên quan thì cần dùng nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia từ nguồn sản xuất xăng dầu trong nước như tại các doanh nghiệp lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn.

Ông Tuấn cho rằng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nhà nước cần phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp lọc dầu lớn trong nước để bình ổn thị trường.

Bệnh viện kêu thiếu thuốc tám tháng vẫn chưa được giải quyết

Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện hiện nay tại TP.HCM cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo ĐQBH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị là rất cấp bách đối với các bệnh viện.

“Tuy nhiên, đến nay cũng đã tám tháng, Chính phủ và các bộ ngành đã họp rất nhiều, gặp gỡ lắng nghe cũng rất nhiều nhưng chưa có sự thay đổi nào. Nhân viên y tế tại các bệnh viện vẫn đang phải loay hoay để xoay xở khiến cho thời gian làm chuyên môn giảm đi vì chỉ lo tập trung vào mua sắm, đấu thầu. Không chỉ là vấn đề thiếu thuốc mà còn là trang thiết bị y tế” - ĐB Thức nói.

Ông nêu thêm vấn đề gần như bế tắc do vướng mắc các quy định trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Chẳng hạn các máy điều trị cao cấp như CT, MRI, xạ trị… Đây thường các DN sản xuất độc quyền, trong khi quy định hiện nay khi làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì phải có ba bảng báo giá để đối chiếu. Trong khi đó, là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm độc quyền thì không thể có ba bảng báo giá…

“Bây giờ các máy cao cấp ở bệnh viện công lập mà hư là không thể nào sửa được và hiện giờ Chợ Rẫy vẫn đang bế tắc về vấn đề này. Một khi một máy CT, MRI dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Hoặc chỉ có thể nằm im chịu trận, hoặc chuyển sang bệnh viện tư. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để điều trị tại bệnh viện tư. Vì vậy, hậu quả là các bệnh nhân nghèo phải chịu” - ông Thức trình bày.

Cùng với vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị, vấn đề đãi ngộ cho lực lượng ngành y cũng đang là vấn đề đau đầu ngành y. Ông Thức cho biết hiện đang tình trạng dịch chuyển nhân sự là các bác sĩ giỏi từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Trong khi đó, chỉ có những bệnh nhân giàu mới có điều kiện chữa bệnh ở các bệnh viện này. Cuối cùng, người nghèo chữa bệnh tại bệnh viện công lập vẫn phải chịu thiệt thòi vì không được các bác sĩ giỏi chữa bệnh. “Đây chính là sự bất bình đẳng trong khám chữa bệnh” - ông Thức nói.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức kiến nghị, các vấn đề của ngành y hiện nay là rất khẩn thiết và cấp bách. Vì vậy, ông Thức kiến nghị, trong thời gian chờ sửa quy định pháp luật thì trung ương cần có nghị quyết riêng để giải quyết những vấn đề bức xúc không thể kéo dài hơn.

Giải ngân đầu tư công rất chậm và đó là tồn tại từ 10 năm nay rồi. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, trong đó hai ngành rất bức xúc là y tế và giáo dục.

Tôi đồng tình với đại biểu Thức là QH cần cho phép Uỷ ban Thường vụ QH ban hành ngay nghị quyết để giải quyết tất cả các vấn đề vướng mắc thấy rõ nhưng chưa giải quyết được.

Nếu chờ đến khi sửa xong các luật có liên quan thì ở dưới rất khó khăn

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm