Sáng 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo QH kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay tình hình KT-XH trong chín tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước tính cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương
Khái quát những kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 2,73%, ước tính cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng GDP chín tháng đạt 8,83%, ước tính cả năm đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu là 6%-6,5%...
Theo Thủ tướng, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và ba chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV vào sáng 20-10. Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Ông dẫn chứng: Cả nước đã cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn...
Thủ tướng cũng cho hay việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Kết quả đã giảm bảy tổng cục và tương đương, giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục), giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục), giảm chín đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ; 22 đơn vị sự nghiệp và giảm căn bản phòng trong vụ.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” gia tăng
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Dẫn chứng là vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại BV Bạch Mai, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH VŨ HỒNG THANH
Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỉ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng...
Làm rõ trách nhiệm trong vụ Tân Hoàng Minh, An Đông...
Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đánh giá: Dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai các chương trình, song kết quả còn khiêm tốn. Tỉ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn khá thấp, tính đến ngày 28-9 mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình. Việc giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng triển khai chậm.
Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. 14 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Điểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển KT-XH…
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng nhắc đến việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó là việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. Các doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Năm 2023: GDP khoảng 6,5%, CPI 4,5%
Năm 2023, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP của năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu năm 2022…
Để đạt được mục tiêu, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát quyền lực.
Với nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nêu rõ hơn cơ sở đề xuất chỉ tiêu CPI bình quân 4,5%. “Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nói và cho rằng Chính phủ cần nâng cao năng lực dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát; không để lỡ nhịp phục hồi sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao.