Sáng 24-3, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang đã công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023.
Ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, quy hoạch tỉnh Tiền Giang đặt ra nhiệm vụ đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tổng thể quy hoạch chung của cả vùng và cả nước, quy hoạch tỉnh Tiền Giang được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bài bản, khoa học dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển và xây dựng quy hoạch. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.
Theo Thủ tướng, Tiền Giang có nhiều lợi thế là tỉnh nằm ở khu vực ĐBSCL- là “vựa lúa”, “vựa trái cây”, “vựa thủy, hải sản” của cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn là nơi trung chuyển, nơi kết nối giữa các vùng, trong khu vực, kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, Tiền Giang còn có lợi thế phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…Tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với 1,8 triệu dân, trong số này có hơn 1 triệu lao động là những lợi thế quan trọng để Tiền Giang thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng chỉ ra “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang. Nhiệm vụ trọng tâm đó là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và Đột phá vào các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ chống biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, đảm bảo với an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Và tăng cường kết nối vùng, khu vực, kết nối trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, kết nối thông qua hệ thống sản xuất theo chuỗi và kết nối cung ứng theo chuỗi.
Ba đẩy mạnh đó là: Đẩy mạnh hạ tầng chiến lược toàn diện bao gồm: giao thông, y tế giáo dục, hạ tầng xã hội, hạ tầng các lưới an sinh xã hội; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phục vụ chế biến, chế tạo nhất là các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mang tính khu vực, mang tính toàn cầu; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế người dân ổn định và phát triển.
Hoan nghênh các doanh nghiệp đã đến Tiền Giang đầu tư, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện phương châm “3 cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng chia sẻ tầm nhìn; hành động”; “cùng làm, cùng hưởng ; cùng phát triển, cùng chiến thắng và phát triển”.
Các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; tiên phong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiên phong đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp tư vấn cho tỉnh về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư…
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được, tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho Tiền Giang.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phải phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết nhanh, gọn có hiệu quả các thủ tục, phân cấp phân quyền, nâng cao năng lực thực thi các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát; không để xảy ra cơ chế "xin-cho" dễ phát sinh tiêu cực.
Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng vốn gần 17.000 tỉ đồng; trao quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng số vốn khoảng 37.000 tỉ đồng.