Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu vật tư y tế

(PLO)- Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, đồng thời khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai ở một số cơ sở y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 đúng dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

Càng khó khăn càng phải đồng lòng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2022 ngành y tế đã triển khai được nhiều nhiệm vụ trọng tâm dù rất nhiều khó khăn. Đơn cử, hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao. Trong đó, vượt 2/3 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (11,5 bác sĩ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT, 92,03%). Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).

Bộ tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về BHYT, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trong năm, dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, nâng cao tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường cũng đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.

Các y bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức đang thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: VGP
Các y bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức đang thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần được khắc phục, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn khó lường, khó dự báo. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn, nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế, chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân… Những điều này đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với ngành y tế.

Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… và đặc biệt là sự đồng thuận, chia sẻ của người dân.

“Tất cả cán bộ y tế toàn ngành sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Không để người bệnh phải “mua ngoài”

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đề xuất giải pháp cho các vấn đề nóng của ngành y tế hiện nay. Đại diện TP Cần Thơ cho biết trên địa bàn có hiện tượng thiếu một số loại thuốc, thiếu cục bộ hóa chất, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế. Lý do là lượng bệnh nhân từ các nơi đổ về TP Cần Thơ khám chữa bệnh tăng đột biến, ảnh hưởng đến kế hoạch dự trù, mua sắm thuốc của đơn vị.

Các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện do có tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, Sở Y tế đã cùng UBND TP phân cấp, thẩm quyền mua sắm, các đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp.

Việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn, việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia chậm có kết quả và kết quả không đầy đủ theo danh mục. Việc này khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua. “Các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị còn nhiều bất cập, chồng chéo. Việc giải quyết thủ tục mua sắm (xin chủ trương, ban hành quyết định mua sắm, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu) của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, mất rất nhiều thời gian và công sức để giải trình” - TP Cần Thơ cho biết.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hoạt động mua sắm đấu thầu gặp nhiều khó khăn, các nhà thầu không tham gia, nhiều gói thầu phải gia hạn, hủy thầu làm chậm trễ việc thực hiện các hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, hằng năm có khoảng 25-30 bác sĩ nghỉ hưu. Việc thiếu hụt số lượng bác sĩ tại các tuyến y tế cơ sở, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hành và triển khai các kỹ thuật chuyên môn. Công tác tuyển dụng đội ngũ bác sĩ chính quy về công tác tại các đơn vị khám chữa bệnh, tuyến y tế cơ sở hiện cũng còn gặp khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo, với tinh thần “đã nói là làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 11 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt mà ngành cần tập trung thực hiện.

Đáng chú ý, ông yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó với dịch bệnh.

Hai là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

“Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi. Trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội” - Thủ tướng lưu ý.

Về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần giải quyết dứt điểm, không để người bệnh phải “mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017, Nghị định 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từ đó giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y đều đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng luôn nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Hơn ba năm chống dịch COVID-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ, hàng trăm ngàn y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh. Những “chiến sĩ áo trắng” tạm gác lại việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với nguy hiểm để cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng khẳng định những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện.

Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như các BV Việt Đức, Bạch Mai, Lão khoa Cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm