Công nhân chia sẻ khủng hoảng khi vướng vào tín dụng đen

(PLO)- Những gói vay đa dạng, lãi suất thấp, trả nợ linh hoạt đã giúp công nhân lao động vượt qua những khó khăn tài chính, vươn lên ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-2, Tổ chức tài chính vi mô CEP đã tổ chức Hội thảo giải pháp phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động.

Tại hội thảo, những khó khăn, vướng mắc của người lao động liên quan đến "tín dụng đen" được chia sẻ. Sự xuất hiện của CEP với những gói vay đa dạng, lãi suất thấp, trả nợ linh hoạt đã giúp công nhân lao động vượt qua những khó khăn tài chính.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, công nhân Công ty TNHH Hai Thanh, KCN Hiệp Phước chia sẻ lại câu chuyện của bản thân khi vướng vào “tín dụng đen”. Ảnh: T.N

Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, công nhân Công ty TNHH Hai Thanh, KCN Hiệp Phước chia sẻ lại câu chuyện của bản thân khi vướng vào “tín dụng đen”. Ảnh: T.N

Nhớ lại những tháng ngày khủng hoảng khi vướng vào “tín dụng đen", chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, công nhân Công ty TNHH Hai Thanh, KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) kể năm 2010 ba chị bị tai nạn bất ngờ, gia đình không có khả năng xoay xở nên đã vay tín dụng đen với lãi suất 45% một tháng để chạy chữa cho ba. Lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng chi trả, gia đình chị đã phải bán nhà để trả nợ, nhưng vẫn chưa trả hết được nợ.

"Gia đình lúc nào cũng sống trong nỗi lo sợ, ám ảnh vì không biết khi nào chủ nợ sẽ đến đòi nợ gia đình mình. Đầu óc và tinh thần không thể tập trung để lao động, luôn sống trong sợ hãi. Mọi chi tiêu trong gia đình phải thắt chặt để gom góp tiền để trả nợ" - chị Oanh kể.

Sau khi vào làm tại công ty Hai Thanh, chị Oanh được Ban chấp hành Công đoàn giới thiệu về chương trình CEP. Hai vợ chồng bàn bạc, vay khoản vay đầu tiên với mức vay 8 triệu đồng từ CEP để trả dứt nợ vay nặng lãi. Đợt vay gần nhất chị vay 50 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, mua được chiếc xe máy để đi làm, lo được cho cha mẹ và các con ăn học. "Việc trả hết nợ vay tín dụng đen giúp tôi có hy vọng thay đổi cuộc sống" - chị Oanh nói.

Hội thảo cung cấp giải pháp phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân, người lao động. Ảnh: T.N

Hội thảo cung cấp giải pháp phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân, người lao động. Ảnh: T.N

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn của công nhân, người lao động.

Theo ông Khang, sở dĩ công nhân, người lao động tìm đến "tín dụng đen" là do gặp bế tắc về tài chính nhưng khó thể tiếp cận với các gói tín dụng thông thường hiện có. Bên cạnh đó là khó khăn về điều kiện vay, thủ tục, hồ sơ không đáp ứng đủ yêu cầu từ các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại...

Vì vậy, CEP đưa ra đề án "CEP tham gia cùng tổ chức Công đoàn phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động" là rất kịp thời, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của người lao động.

“Tổ chức tài chính vi mô CEP có trách nhiệm quản trị rủi ro, bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động của mình để phát triển bền vững. Đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền được khai thác hiệu quả. Đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên chuyên nghiệp, tăng cường chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng hiện đại của tổ chức” - ông Khang nhấn mạnh.

Những sản phẩm tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng được tổ chức CEP tư vấn đến công nhân, người dân lao động. Ảnh: CEP

Những sản phẩm tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng được tổ chức CEP tư vấn đến công nhân, người dân lao động. Ảnh: CEP

Ông Khang đề nghị CEP nên tăng tỉ lệ cho vay trực tiếp cho công nhân lao động để góp phần phòng chống "tín dụng đen" đang rất nhức nhối trong đời sống công nhân, người lao động hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm