Thừa Thiên - Huế thông báo lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh
Ngày 2-5, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phát đi thông báo về việc Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cụ thể, thời gian tổ chức lễ viếng từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 3-5, lễ truy điệu diễn ra vào 11 giờ cùng ngày tại Hội trường trụ sở HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế (số 16, đường Lê Lợi, TP Huế).
Ngoài ra, lễ viếng cũng được tổ chức tại nhà thờ họ tộc ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc.
UBND tỉnh thông báo, Ban Tổ chức Lễ viếng, Lễ Truy điệu đã chuẩn bị vòng hoa vào viếng, các đoàn chuẩn bị băng cài lên vòng hoa viếng của đoàn mình. Đặc biệt, gia đình có nguyện vọng xin được miễn nhận tiền phúng viếng, chấp điếu của cá nhân, tổ chức khi đến viếng tang. Các đoàn đăng ký thời gian viếng về Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế theo số điện thoại 0234-3822584 và thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.
Trước đó, hôm 27-4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố danh sách Ban lễ tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, làm Trưởng Ban Lễ tang.
Các thành viên Ban Lễ tang gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư...
Lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
(PLO)- Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch ngày ấy gồm 8 người, trong đó có ông Lê Đức Anh.