Thực hiện Đề án 06 giúp loại bỏ dần tình trạng 'tham nhũng vặt'

(PLO)- Đại diện các cơ quan đơn vị tham gia Tọa đàm đều cho rằng, việc triển khai Đề án 06 là rất cần thiết, tạo ra nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, không làm sẽ tụt hậu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-9, Ban Chuyên đề Công an TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Đề án 06 với chuyển đổi số và Cải cách hành chính”.

Hạn chế tham nhũng vặt

Khai mạc tọa đàm, Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TP.HCM cho biết, Đề án 06 có vai trò đặc biệt quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực.

“Đến nay, sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện Đề án, vượt qua nhiều rất nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, quan trọng. Kinh tế số ngày càng chiếm tỷ trọng cao của nhiều ngành và địa phương. Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã được kết nối rộng rãi, mang lại nhiều cải cách đột phá, phục vụ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội” - ông Giáp nói.

toa-dam-de-an-06.jpg
Ban Chuyên đề Công an TP.HCM tổ chức tọa đàm Đề án 06 với chuyển đổi số và Cải cách hành chính, sáng 15-9. Ảnh: NT

Trưởng Ban Chuyên đề Công an TP.HCM cũng cho rằng việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, như: có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, tiết kiệm chi phí rất lớn...

Góp ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết đơn vị đã đồng bộ dữ liệu đạt 95%, hoàn thành bốn thủ tục hành chính như liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp BHXH cho trẻ em…

Đặc biệt, theo bà Dung, hiện đã hoàn thành được 37.000 hồ sơ trên cổng dịch vụ công. “Trước đây, khi cần làm hồ sơ, người dân xếp hàng, chờ đợi rất lâu, nhưng nay trước cổng BHXH rất vắng vì họ đã làm hồ sơ trên cổng dịch vụ công” - bà Dung nêu.

trien-khai-de-an-06.jpg
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NT

Đại diện BHXH TP.HCM cũng cho biết ngành có một kho dữ liệu khổng lồ liên quan thông tin về số sổ BHXH, BHYT của 18 triệu lao động. Đơn vị cũng đã đầu tư ứng dụng năm hệ thống phần mềm để quản lý thông tin.

“Như ai đó đến khám chữa bệnh thì các bác sĩ đưa thông tin, chi phí thăm khám lên cổng thì người bệnh cũng có thể biết mà đơn vị quản lý cũng biết. Đơn cử như tôi ngồi đây, anh em chuyển hồ sơ điện tử qua, tôi có thể ký ngay mà không cần giấy tờ rườm rà” - bà Mỹ Dung nói về cái lợi của việc chuyển đổi số.

Lợi trăm bề, không làm sẽ tụt hậu

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT, TP cho biết, mục tiêu năm 2025 cung cấp các dịch vụ công trên môi trường điện tử cho người dân doanh nghiệp sử dụng.

“Từng bước hướng đến cung cấp hoàn toàn dịch vụ công trên môi trường điện tử. Đẩy mạnh thanh toán điện tử… Người dân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ một lần và chúng ta lưu trữ điện tử, không cần cung cấp lần hai” - bà Trinh nói.

dai-dien-so-tttt-de-an-06.jpg
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NT

Theo bà Trinh, ở các lĩnh vực an sinh, việc làm, thương binh xã hội… sẽ triển khai các app và người dân có thể sử dụng rất tiện lợi, giảm thiểu các chi phí.

Đại diện Sở TT&TT cho rằng, “muốn quản trị thì phải có dữ liệu”. Với TP, cơ sở dữ liệu dân cư đóng vai trò then chốt để cung cấp các dịch vụ công, tạo ra tiện ích cho người dân. Bà Trinh cũng nêu ví dụ về việc Sở Tư Pháp đã có sự phối hợp số hóa toàn bộ hộ tịch của TP thời gian vừa qua.

Theo đó, trong vòng một năm triển khai đã có khoảng 1,5 triệu lượt người dân đăng ký số hóa hộ tịch. Hiện tiếp tục triển khai đến các lĩnh vực bảo trợ an sinh xã hội. “Nếu chúng ta không thực hiện sẽ tụt hậu”- bà Trinh nhấn mạnh.

toa-dam-chuyen-doi-so.jpg
Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TP.HCM, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NT

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, thực tế hiện thế giới đã phẳng, dân số trẻ nên việc chuyển đổi số chắc chắn thành công.

“Chúng tôi quản lý đối tượng từ khi ra đời cho đến khi mất đi. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã tạo sự thuận tiện trong việc quản lý của cơ quan, chính quyền” - bà Dung nói và gửi lời cảm ơn đến các cấp các ngành đã tạo cho đơn vị một kho dữ liệu khổng lồ.

Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1-2022, đến nay đã đi được hơn 1/3 chặng đường và được đánh giá đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, có nhiều phần việc vượt tiến độ.

Tại TP.HCM, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và triển khai thực hiện, UBND TP đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM, do ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban, Thiếu tướng Lê Hồng Nam Giám đốc Công an TP.HCM làm Phó ban thường trực.

Trong khi đó, theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, qua thực hiện Đề án 06, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng.

“Đặc biệt việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào thực hiện các dịch vụ công quốc gia đã, đang là bước đột phá mạnh mẽ khi hàng loạt các dịch vụ trước đây phải đi lại trực tiếp, nay được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp người dân thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy” - Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TP.HCM nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm