Thương hiệu không phải là tạo ra tên đẹp rồi khoe

(PLO)- Việt Nam là nước thứ hai về xuất khẩu phần mềm, top 10 trong đào tạo các kỹ sư phần mềm nên việc xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực này không phải là viển vông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Xây dựng thương hiệu không phải là tạo ra một cái logo, một cái tên đẹp rồi đi quảng bá, khoe khoang. Xây dựng thương hiệu là tạo dựng uy tín và có được lòng tin của người tiêu dùng”. PGS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, nhấn mạnh như trên tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam 2022 vừa diễn ra.

Chìa khóa giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đã có những chia sẻ khá thú vị và tâm huyết về con đường xây dựng thương hiệu trong suốt những năm qua. Ông kể Sunhouse ra đời cách đây 20 năm, khi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp đa phần được nhập khẩu.

“Công ty tôi cũng chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài rồi về phân phối tại Việt Nam. Thời điểm đó tôi không có khái niệm về thương hiệu, chỉ thấy người tiêu dùng trong nước cần gì thì mình nhập về cái đó và nhập luôn thương hiệu của họ” - ông Phú thừa nhận.

Việc xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp hay quốc gia nào. Ảnh: AN HIỀN

Việc xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp hay
quốc gia nào. Ảnh: AN HIỀN

Trong quá trình nhập khẩu, đi thăm nhiều nhà máy nhận thấy công nghệ sản xuất của các nước cũng không quá phức tạp, ông Phú quyết định nhập dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về rồi tự làm ra sản phẩm. Thế nhưng khi sản xuất ra, dù cái nồi, cái chảo… được làm y chang các thương hiệu nhập khẩu nổi tiếng hồi bấy giờ với giá rẻ hơn đến 10% nhưng vẫn không bán được.

“Sau này, qua quá trình tìm hiểu tôi mới ngộ ra nó khác nhau ở thương hiệu, chính là niềm tin của người tiêu dùng. Mặc dù người tiêu dùng thấy sản phẩm này về hình thức rất giống với thương hiệu họ đang quen dùng nhưng họ không dám khẳng định về chất lượng có đảm bảo hay không nên thà dùng thương hiệu cũ hơn là thử cái mới” - ông Phú nhấn mạnh.

Bệ phóng rất lớn cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn báo cáo từ hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance cho biết: Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD. Con số này vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

“Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Biết được điều này, lãnh đạo Tập đoàn Sunhoue nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thuyết phục khách hàng dùng thử sản phẩm của mình. Theo thời gian, các tiêu chí giá rẻ, chất lượng sản phẩm đảm bảo, dịch vụ hậu mãi tốt... đã dần dần lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Khi khách hàng dùng rồi, họ dần quen thuộc và nhớ tới thương hiệu của công ty, thương hiệu cũng được hình thành từ đó.

Qua câu chuyện của Sunhouse cho thấy việc xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ một cá nhân, doanh nghiệp (DN) hay quốc gia nào. “Câu chuyện thương hiệu là câu chuyện niềm tin của người dùng vào thương hiệu đó. Nhưng anh không thể lợi dụng niềm tin để lấy thêm tiền của khách hàng. Nếu quan niệm như thế thì thương hiệu của DN đó sẽ bị mờ đi, mất đi” - ông Phú nhấn mạnh.

Nhận biết được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bee Logistics, cho hay ngay từ đầu, công ty đã đặt ra mục tiêu xây dựng, đưa thương hiệu vươn ra thị trường thế giới. Ông nhấn mạnh: “Để làm được điều này, công ty liên tục mở rộng các văn phòng cũng như tìm các giải pháp để cải tiến chất lượng, dịch vụ”.

Cùng với Sunhouse, Bee Logistics, thời gian qua, nhiều tập đoàn, DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị DN.

Một nhân viên bảo vệ cũng góp phần xây dựng thương hiệu

Khi nghĩ về thương hiệu của một quốc gia, người ta hay nghĩ đến thương hiệu sản phẩm của quốc gia đó. Ví dụ như nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ ngay đến Samsung, nói đến Mỹ người ta nghĩ đến Disneyland, Singapore thì có hãng hàng không Singapore Airlines...

“Vậy còn nghĩ đến Việt Nam, mọi người sẽ nghĩ đến thương hiệu gì?” - bà Trần Tuệ Chi, Phó Chủ tịch thương hiệu toàn cầu của Unilever, cho biết thường đặt câu hỏi trên với những người bạn nước ngoài trước khi họ đến Việt Nam. Và kết quả là họ thường lúng túng trước khi đưa ra câu trả lời.

Từ đó, bà Chi cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng được những thương hiệu với tầm ảnh hưởng toàn cầu. “Ở trong nước, chúng ta có những THQG Việt Nam rất tốt nhưng ở bên ngoài có lẽ mọi người còn chưa biết tới nhiều. Trong các ngành ở Việt Nam, tôi muốn đặc biệt nói đến ngành công nghệ, chuyển đổi số. Chúng ta là nước thứ hai về xuất khẩu phần mềm, top 10 trong đào tạo các kỹ sư phần mềm, nên việc xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực này không có gì là viển vông” - bà Chi nói.

PGS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, thành viên Ban chuyên gia Chương trình THQG Việt Nam, chia sẻ bên cạnh một số thương hiệu của Việt Nam đã được thị trường quốc tế chấp nhận thì còn rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang bị yếu thế trên thị trường thế giới. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, bản thân các DN cần có sự đầu tư quan tâm cho sự phát triển thương hiệu của mình. Để làm được, DN phải nỗ lực từng giờ, từng ngày.

“Một nhân viên bảo vệ cũng có thể góp phần xây dựng thương hiệu cho khách sạn mà anh ta đang làm. Một nhân viên bán hàng cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm đó. Vì thế DN phải hiểu đúng và nỗ lực xây dựng thương hiệu hằng ngày” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình THQG Việt Nam, thời gian tới, bộ sẽ cố gắng có những cơ chế chính sách để kết nối những DN có sản phẩm đạt THQG lại gần nhau hơn; kéo những nhà tư vấn chính sách, tư vấn chuyên môn, các chuyên gia về quảng bá, xây dựng, quản trị thương hiệu lại gần với nhau hơn. Từ đó tạo thành một hệ sinh thái để hỗ trợ, nâng đỡ lẫn nhau. Bởi khi một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.

Người nước ngoài nhớ phở, nem… Việt Nam

Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Ba Lan, cho biết với người nước ngoài, có lẽ họ nhớ đầu tiên là món phở, món nem… Việt Nam. Vì trong suốt hơn 20 năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã miệt mài bán những sản phẩm này.

“Phở, nem là món ăn độc đáo, chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Ở Ba Lan, chúng tôi có 700 cửa hàng ẩm thực thì mỗi quán ăn trung bình bán được 100 cái nem và 20 bát phở mỗi ngày. Với con số đó, mọi người sẽ hình dung đã có bao nhiêu người nước ngoài được thưởng thức món ăn Việt Nam này” - ông Bình nói.

Từ câu chuyện trên, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Ba Lan thấy rằng cần phải xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Việt Nam. Đây cũng là thế mạnh của kiều bào giúp cho thương hiệu Việt Nam đi vào lòng người nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm