Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4.

Đó là một trong hai nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh tại chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 24-10-2022 về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Tuy nhiên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, một số nội dung chưa có sự đồng thuận cao, có nội dung cần phải nghiên cứu đánh giá thêm. Do đó đã có ý kiến đề xuất lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật này sang kì họp sau để có thêm thời gian đi đến thống nhất các nội dung, hoàn thiện dự thảo luật.

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quochoi

Một số vấn đề còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét cho ý kiến thêm như:

Về Hội đồng Y khoa quốc gia, vẫn còn có ý kiến cho rằng, việc quy định giao Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là chưa phù hợp, chưa thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, vẫn chưa làm rõ mô hình tổ chức của Hội đồng Y khoa Quốc gia và chưa thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 20-NQ/TW.

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án giữ như quy định hiện hành. Một số ý kiến thống nhất với phương án người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ một số trường hợp; có ý kiến cho rằng giới hạn chỉ sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số.

Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, trong quá trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để làm rõ một số nội dung như “sản phẩm dinh dưỡng” là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý nhà nước, quy định chuyên môn trong sử dụng đối với loại sản phẩm này cho phù hợp, quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị và tính thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Những nội dung trên hiện vẫn chưa được rõ ràng, thống nhất từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng như các cơ quan tham gia ý kiến đối với dự án Luật.

Một số nội dung còn hai loại ý kiến khác nhau hay có nội dung còn phải thiết kế thành hai phương án để xin ý kiến Quốc hội như:

Việc phân định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật; loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành, phân thành 4 tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương).

Các nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan chủ trì thẩm tra đã thiết kế hai phương án để xin ý kiến.

Trong số 7 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có phạm vi tác động rất lớn. Đây là luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới