Chị Mai Ngọc Chí, một tiểu thương tại chợ Gành Hào, nói: “Tôi chứng kiến từ đầu cuộc sống của gia đình bà Điệp tại thị trấn này. Trước đây thậm chí bà không có chỗ ngủ, phải ngủ ngoài trời, mưa thì chạy vào nhà vệ sinh trốn. Việc quét chợ đêm rất cực mà chỉ trả cho bà 10.000 đồng/ngày là quá thấp so với sức lao động bỏ ra”.
Hiện bà Điệp cư trú trong một túp lều dựng nhờ vào vách nhà vệ sinh của chợ. Bà Điệp kể: Công việc của tôi là giữ nhà vệ sinh, giữ đồ cho tiểu thương và quét chợ. Giữ đồ cho tiểu thương được 5.000-10.000 đồng/ngày/hộ nhưng nếu mất đồ là phải bồi thường. Gần ba năm qua, thu thì không biết bao nhiêu nhưng bồi thường đã gần 16 triệu đồng. Hiện tôi nợ tiền trả góp 11 triệu đồng vay nóng vì phải bồi thường đồ bị mất cho người ta. Giữ nhà vệ sinh chẳng được nhiều, quét chợ được 10.000 đồng. Nói chung, bù qua bù lại thì sống được. Với chuyện quét chợ, hôm nào tôi mệt và các con không phụ được, tôi nhờ người ta quét và trả công cho họ 40.000 đồng/lần! Tôi nhiều lần đề nghị UBND thị trấn tăng giá tiền công nhưng không được chấp nhận. Giờ nghe người ta nói tôi bị ăn chặn mất 700.000 đồng/tháng mà buồn. Tôi mong nếu Nhà nước đã trả công cho tôi từng ấy tiền thì cho tôi xin lại vì đó là tiền công của tôi…
Bà Điệp, người bị ăn chặn tiền công quét rác, với “ngôi nhà” tựa vào nhà vệ sinh. Ảnh: TV
Theo khai nhận của các kế toán, thủ quỹ UBND thị trấn Gành Hào, số tiền công quét chợ của bà Điệp đã bị ông Huỳnh Văn Tỏ, Chủ tịch thị trấn Gành Hào, chỉ đạo giữ lại gần 13 triệu đồng. Ông Tỏ sử dụng nó vào các việc như: trả tiền điện thoại di động của mình; mua mồi nhậu; bỏ túi riêng; mua quà tặng lãnh đạo, mua máy đo huyết áp.
Con trai bà Điệp nói: Ba mẹ con quét xong cái chợ rộng gần 2.000 m2 và được trả có 10.000 đồng. Ít nhưng vẫn làm vì không quét lấy gì mà ăn.
Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Bí thư thị trấn Gành Hào, cho biết: “Tôi mới về nhận công tác nên chưa nắm hết mọi việc. Tôi sẽ sớm kiểm tra, rà soát hoàn cảnh của bà Điệp để có hướng giúp đỡ”.
TRẦN VŨ