Tiền Giang: 3 ca tử vong do sốt xuất huyết

(PLO)- Số ca bệnh sốt xuất huyết tại Tiền Giang đang tăng cao, tính đến nay toàn tỉnh đã có gần 2.500 ca, trong đó có 3 ca tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-7, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.500 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca đã tử vong.

Số ca bệnh sốt xuất huyết tại Tiền Giang đang tăng cao. Ảnh: CTV

Số ca bệnh sốt xuất huyết tại Tiền Giang đang tăng cao. Ảnh: CTV

Trong số 3 ca tử vong này có 1 trường hợp là người lớn và 2 trẻ em.

Cụ thể, ca tử vong người lớn là N.T.V (36 tuổi, ngụ ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Bệnh nhân tử vong vào ngày 13-7, được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng.

Trước đó, địa phương đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là trẻ em tại huyện Cái Bè và Thị xã Cai Lậy.

Cũng theo bác sĩ Nhơn, số ca bệnh sốt xuất huyết tại Tiền Giang bắt đầu tăng từ đầu mùa mưa năm nay khoảng tháng 4-2022 và đến nay tiếp tục tăng ở 11-11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ổ dịch sốt xuất huyết và được xử lý xong. Riêng huyện Cái Bè trên 130 ổ dịch.

Về xử lý ổ dịch, khi nhận thông tin có ca sốt xuất huyết dengue, các đơn vị tiến hành điều tra, xác minh dịch tễ về ca mắc sốt xuất huyết dengue, giám sát véc-tơ truyền bệnh tại nơi ở của bệnh nhân. Đồng thời thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi các hộ gia đình xung quanh.

Người dân vệ sinh dụng cụ chứa nước không tạo môi trường cho muỗi sinh sản và lăng quăng sinh sống. Ảnh: CTV

Người dân vệ sinh dụng cụ chứa nước không tạo môi trường cho muỗi sinh sản và lăng quăng sinh sống. Ảnh: CTV

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, người dân thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc gọn gang, ngăn nắp không để cho muỗi có nơi trú ẩn.

Cạnh đó người dân cần thường xuyên diệt lăng quăng, không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước. Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, lia thia… vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm