Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận vừa có công văn trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về công tác định giá trong vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, ngày 30-6-2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng định giá vụ việc để định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh theo các yêu cầu định giá của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Hội đồng định giá đã tổ chức 7 phiên họp Hội đồng; đã giao Tổ giúp việc của Hội đồng tổ chức khảo sát 8 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế tại TPHCM.
Kết quả trong số 98 mặt hàng cần định giá theo yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ có 1/98 mặt hàng là que đè lưỡi có 1 công ty đang kinh doanh; 97/98 mặt hàng còn lại các công ty không kinh doanh và không có giá bán tại thời điểm các hợp đồng được ký cũng như thời điểm hiện nay.
Hội đồng đã 3 lần có thư mời các đơn vị có chức năng thẩm định giá báo giá thực hiện định giá tài sản, kết quả chỉ có 1 đơn vị tư vấn chào giá nhưng cho biết không xác định được giá của tất các các mặt hàng trong danh mục tài sản định giá và không thể xác định giá trị tài sản tại thời điểm hiện nay.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã điều chỉnh lại thời điểm định giá là tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, đối với kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất thì đề nghị Hội đồng xác định giá hàng hóa trên cơ sở giá 143.461 đồng/test cộng các chi phí hợp lý, hợp lệ.
Đối với việc xác định giá trị các mặt hàng khác thì đề nghị Hội đồng định giá xác định giá trị hàng hóa theo phương pháp chi phí trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa theo giá trị thị trường.
Do đó, việc định giá các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, kit xét nghiệm theo các yêu cầu định giá của Cơ quan Cảnh sát điều tra phải thực hiện lại từ đầu và phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.
“Do vậy, trên cơ sở kết quả của 7 phiên họp, Hội đồng định giá đã có Công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra thay đổi lại yêu cầu định giá theo nội dung tại Công văn số 44/CSKT(Đ1) ngày 10-1-2023 và Công văn số 1507/CSKT(Đ1) ngày 6-6-2024 làm cơ sở để triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh chưa có văn bản gửi Hội đồng”, Công văn của Sở Tài chính nêu.
Như PLO đã đưa, tháng 6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Bình Thuận đã thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về việc chấp hành quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID -19 tại CDC và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Quá trình điều tra, PC03 đã 4 lần có trưng cầu định giá tài sản và ngày 30-6-2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng định giá vụ việc để định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh.
Theo hồ sơ, trong hai năm 2020 và 2021, CDC tỉnh Bình Thuận đã mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với 53 gói thầu, tổng kinh phí hơn 198 tỉ đồng, giá trị hợp đồng đã thực hiện là hơn 190 tỉ đồng.
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận trong hai năm 2020-2021 đã mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với 20 gói thầu, tổng kinh phí hơn 71 tỉ đồng, giá trị hợp đồng đã thực hiện gần 69 tỉ đồng.
Các gói thầu nói trên đều được mua từ nguồn vốn ngân sách; nguồn kinh phí vận động phòng chống dịch năm 2020 thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Đối với kit test của Công ty Việt Á, trong hai năm 2020-2021, tỉnh Bình Thuận đã chi hơn 130 tỉ đồng để mua kit của công ty này, riêng năm 2021 có tám gói thầu với số tiền hơn 90 tỉ đồng.
Cả tám gói thầu này đều mua thông qua đối tác của Công ty Việt Á là Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất (Tân Bình, TP.HCM), trong đó có hai gói mua với giá 509.250 đồng/kit; ba gói thầu mua với giá 470.000 đồng/kit và các gói thầu còn lại mua với giá 367.500 đồng/kit…