Video: Tiểu thương chợ Vũng Tàu 'khóc ròng' vì buôn bán kém, giá thuê tăng cao |
Thời gian vừa qua, nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Vũng Tàu (TP Vũng Tàu) có kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh, thành phố về việc giá thuê mặt bằng tăng cao, áp dụng kể từ tháng 5-2023.
Dù mức thu theo giá mới căn cứ quyết định số 02/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn khiến các tiểu thương băn khoăn, lo lắng...
Chợ vắng khách, nhiều sạp treo biển “cho thuê”
Chợ Vũng Tàu là chợ loại 1, chợ trung tâm và đầu mối của TP Vũng Tàu từ lâu nay. Trước đại dịch COVID-19 việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ diễn ra tấp nập, đông đúc. Người dân, du khách vẫn ghé chợ để mua sắm đủ các mặt hàng từ quần áo, giầy dép, đồ điện tử, ăn uống thực phẩm hàng ngày...
Sau khi dịch qua đi, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi nhiều. Cùng với sự phát triển của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua bán online khiến người đến mua sắm tại chợ truyền thống nói chung, trong đó có chợ Vũng Tàu giảm nhiều.
Chợ Vũng Tàu vắng người mua sắm hơn trước rất nhiều. Ảnh: TK |
Theo ghi nhận của PV, buổi sáng tại chợ vắng hơn trước. Phía trong nhiều mặt bằng đóng cửa, đề bảng cho thuê, sang nhượng lại mặt bằng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lưu (kinh doanh mặt hàng nước uống) lo lắng, sau đại dịch COVID-19 việc buôn bán trong chợ thay đổi, người dân ít đến chợ mua sắm, ăn uống hơn. Trong khi đó, mức giá thuê mới tăng cao so với mức thu cũ (từ 2-3 lần) khiến chị gặp khó khăn.
Chủ một gian hàng bán quần áo cho biết chị đã kinh doanh ở chợ từ ngày đầu thành lập chợ đến nay. “Tôi hiểu chợ Vũng Tàu là chợ loại 1, giá thuê bình thường đã cao hơn các chợ khác. Nay tăng giá do đó mức tăng cũng cao hơn các chợ khác. Tuy nhiên, việc buôn bán giờ hết sức khó khăn vì ế ẩm. Nhiều tiểu thương đã trả mặt bằng, tìm nghề khác. Có người còn bán thì cả tuần không có khách đến hỏi mua. Tôi cố bám trụ vì đã lớn tuổi, khó để chuyển nghề khác”- người này chia sẻ.
Nhiều quầy, sạp đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng lại trong chợ Vũng Tàu. Ảnh: TK |
Trong tháng 5-2023, nhiều tiểu thương đã hai lần gửi đơn kiến nghị được dừng việc tăng giá theo quyết định 02. Nhưng vào đầu tháng 6-2023, sau khi được BQL chợ Vũng Tàu giải thích, các tiểu thương đã hiểu và nhận thấy quyết định 02 này đã có hiệu lực từ lâu và các chợ trên toàn tỉnh đã áp dụng trước đó. Riêng chợ Vũng Tàu đến nay mới thực hiện là hỗ trợ nhiều cho tiểu thương.
Tuy nhiên theo các tiểu thương, do chợ Vũng Tàu là chợ loại 1 nên mức giá sử dụng dịch vụ đã rất cao. Nếu giá thuê tăng 2-3 lần trong tình cảnh buôn bán ế ẩm như hiện nay thì thu nhập tiểu thương sẽ không đủ trả mặt bằng.
“Mong cơ quan chức năng xuống khảo sát để có chính sách tăng giá phù hợp. Từ đó xem xét có thể giảm tỷ lệ tăng và có lộ trình tăng giá để phù hợp với mức thu nhập của tiểu thương. Trong thời gian chờ đợi, xin vẫn được đóng tiền theo mức giá cũ”- chị Nguyễn Thị Thắm, một tiểu thương nêu.
Khảo sát lại để có giải pháp hỗ trợ tiểu thương
Trao đổi với PLO, ông Hoàng Văn An, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Vũng Tàu cho biết, chợ có tổng cộng 1.765 quầy, sạp. Trước thời điểm dịch Covid 19 có khoảng gần 900 hộ kinh doanh nhưng hiện trả mặt bằng, nghỉ bán đã giảm khoảng 40%.
Nguyên nhân của tình trạng này theo ông An là do cạnh tranh bởi các hình thức kinh doanh mới, trong đó có bán hàng online. Ngoài ra, tình trạng buôn bán lòng đường, vỉa hè cũng ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán trong chợ.
Tại chợ Vũng Tàu, giá thuê mặt bằng mới đã được áp dụng trong tháng 5-2023, tiểu thương cho rằng mức giá thuê quá cao. BQL chợ cũng đã có báo cáo thành phố.
Tỉnh sẽ rà soát, hỗ trợ phù hợp nhưng tỉnh cũng đề nghị các tiểu thương cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu mua sắm mới của người dân, du khách. Ảnh: TK |
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương, Quyết định 02 đã có hiệu lực từ năm 2019, áp dụng chung cho các chợ. Mức giá thu hiện nay là đúng theo quyết định này. Vừa qua, Sở cùng TP Vũng Tàu cũng đã đối thoại với các tiểu thương, ghi nhận các kiến nghị và đưa ra hướng giải quyết.
Không chỉ riêng chợ Vũng Tàu mà sau dịch COVID-19, Sở Công thương cùng các địa phương đã ghi nhận thực tế việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Sở đã có văn bản gửi cấp huyện lấy ý kiến để từ đó có đề xuất, tham mưu cho tỉnh hỗ trợ. Nhưng sau đó một số địa phương báo về là không có ý kiến.
“Sở Công thương tiếp tục có văn bản đốc thúc các địa phương, trong đó lấy ý kiến các tiểu thương ở chợ. Sau đó Sở sẽ tổng hợp, kiến nghị tham mưu UBND tỉnh có những hỗ trợ phù hợp cho tiểu thương đang kinh doanh ở các chợ truyền thống”- ông Đồng thông tin.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ở chợ truyền thống
Tháng 6-2023, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp khai thác, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh giao các huyện rà soát mạng lưới chợ tại địa phương cho phù hợp với nhu cầu mua sắm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó có thể chuyển đổi công năng chợ hoạt động không hiệu quả và đề xuất xã hội hóa các chợ.
Các chợ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh, tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, bao bì, mẫu mã đẹp, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Thay đổi những dịch vụ cung ứng cho khách hàng; nâng cao chất lượng phục vụ; chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến để bắt kịp xu thế của thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Có chính sách khuyến khích, vận động các tiểu thương, các cửa hàng bán lẻ quanh khu vực chợ sử dụng các phương thức không dùng tiền mặt như QR code, ví điện tử,..trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ....