Chuyện này cũng không có gì lạ bởi người ta chỉ tính được trên bình quân đầu người. Mà chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam rất lớn, nhiều người giàu nổi kiếm nhiều tiền dễ dàng - trong đó không ít những đồng tiền bẩn. Những đồng tiền ăn hối lộ, ăn cắp công quỹ, tiền buôn gian bán lận, lừa đảo - kể cả những đồng tiền gọi là hoa hồng những thầy thuốc thiếu lương tâm nhận trên sinh mệnh người bệnh mà các gian thương ngành dược cắt cho - như vụ VN Pharma vừa công bố.
Những người giàu nhất nhì thế giới như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg... sống rất giản dị, tặng hiến phần lớn tài sản hàng chục tỉ đôla để làm từ thiện (đầu tư tiền để nghiên cứu xóa bệnh HIV-AIDS, sốt rét... hay cấp học bổng nghiên cứu khoa học, giáo dục...). Nhiều đại gia người Việt thì cực kỳ lãng phí, bỏ hàng triệu đôla mua siêu xe 5-7 chiếc về chạy chơi, thậm chí đem khoe rồi cất vào garage, hoặc các bà các cô siêu giàu mua những thứ đồ xa xỉ đắt tiền để khẳng định đẳng cấp, khoe mẽ... Hoặc thời gian qua có những chuyện chơi nổi, khoe của cười ra nước mắt. Như nhiều đám cưới của con cái các đại gia ở các tỉnh nghèo nhưng chơi hàng đoàn xe xịn, mời nhiều ca sĩ ngôi sao đến hát đám cưới với giá cát sê hàng trăm triệu đồng... Đó là những người chỉ biết tiền, đo lường giá trị con người qua tiền bạc.
Gần đây báo chí phanh phui tại nhiều địa phương nghèo, người dân thiếu đói, sống trong những căn nhà rách nát, trẻ con rách rưới không được đến trường nhưng quan chức địa phương cho xây dựng những lâu đài, dinh thự hoành tráng, lộng lẫy. Có thể dùng từ gì để nói về việc này ngoài hai từ vô cảm, bất nhân.
Những tác động, ảnh hưởng của quan niệm chỉ biết có tiền, tiền là trên hết khiến đông đảo người trẻ hôm nay coi tiền bạc là thước đo giá trị con người. Chúng ta không khó bắt gặp nhan nhản những lời bình trên các trang mạng hay trong đời thường khi giới thiệu về bản thân, họ chỉ chú trọng về tiền bạc, vật chất. Ví dụ, nhiều cô gái khi hỏi về một đối tượng thì thường hỏi gia đình cậu ấy có giàu không? Cha cậu ấy có làm chức lớn không? Cậu ta đi xe gì?... Họ chẳng quan tâm cậu ta học hành ra sao, nhân cách cậu ta thế nào, gia đình có truyền thống gì hay không...
Tôi chợt nhớ cách nay vài tháng, tác giả cuốn sách Dám làm giàu (tôi không nhớ tên), khi phát hành sách này tại Huế đã chơi nổi bằng cách thuê một khinh khí cầu bay lên rồi cho rải tiền xuống sân vận động Tự Do (Huế), tiền bay ra cả ngoài đường bên ngoài sân cho người ta tranh nhau nhặt. Việc chơi trội thiếu văn hóa này đã bị dư luận xã hội phê phán nặng nề và nghe đâu chính quyền TP Huế cũng đã cảnh cáo hay phạt hành chính gì đó. Đáng buồn ở chỗ, đây là tác giả một cuốn sách, tức dù gì thì cũng là một người làm văn hóa (viết sách mà!). Tuy có thể được nhà phát hành sách“xúi dại” hãy chơi nổi để PR sách thì anh cũng phải có chính kiến chứ đâu thể ai xúi gì cũng làm và nghĩ rằng có tiền thì muốn làm gì thì làm. Tiêu tiền cũng cần có văn hóa mà.