Sự phát triển của công nghệ cộng với sự thay đổi thị hiếu công chúng đã gây ra một sự chuyển dịch công chúng. Không có một tờ báo điện tử nào trong ba ngày thu hút được 300 triệu lượt xem trên cả trang web chính thức và trên các nền tảng số chỉ bằng một sản phẩm.
Tất cả dù là báo chí hay mạng xã hội đều đi chung một cái cổng lớn là Internet và thành công của TikToker này đặt ra những điều mà những người làm truyền thông phải phân tích. Bởi công chúng chính là mục tiêu phục vụ, là động lực và là nguồn thu nhập của mọi ngành, trong đó có truyền thông.
Tại một hội thảo nghiệp vụ về báo chí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nói: “Công chúng ở đâu, báo chí phải ở đó!”. Nói rộng ra, cụ thể hơn là báo chí nói riêng và truyền thông nói chung phải có mặt trên mọi nền tảng, sản xuất những thông tin bổ ích phù hợp với đặc trưng của mỗi nền tảng, phải tìm cách cho thông tin ấy tiếp cận công chúng.
Thay vì chê trách công chúng lười suy nghĩ, người làm truyền thông, báo chí phải đòi hỏi mình sáng tạo nội dung và đẩy cảm xúc cho người đọc, người xem. Ngôn ngữ hình ảnh làm tốt điều đó hơn chữ viết. Với trường hợp của mình, Lê Tuấn Khang đã làm được để thu hút người xem trên TikTok.
Từ nhiều chục năm trước, mỗi lần nói chuyện với PV trẻ, Tổng Biên tập của báo Pháp Luật TP.HCM thường nói rằng: “Nhà báo phải tưởng tượng trước mặt mình là một độc giả khó tính, thờ ơ và lười biếng!”. Vì vậy, một bài báo dù có hàm lượng thông tin và kiến thức nhưng nó không hấp dẫn, không khiến người ta muốn đọc thì nó cũng chỉ dùng để cất vào ngăn kéo.
Ngày nay, khi người ta bị ngập trong biển thông tin, khi “time on site” (thời gian trung bình mà người dùng ở lại trên một trang web trong một phiên truy cập) của những bản tin cũng chỉ dừng lại ở con số 1 phút thì một TikToker không được học hành bài bản, không được đào tạo như Lê Tuấn Khang đã tự học và làm nên những sản phẩm có thể níu người xem ở lại hàng giờ trên trang của mình với một lượng followers hàng chục triệu càng đáng khâm phục.
Không ai có thể ăn may, tình cờ mà tạo ra con số đó.
Khang làm được điều đó vì Khang nghiêm túc trong xây dựng và sáng tạo tác phẩm để tạo nên sự đồng điệu và lan tỏa. Khán giả của Khang khi xem các clip đã chia sẻ nó vì sự đồng điệu, rồi mạch dòng ấy cứ lan đi để tạo nên những con số ấn tượng hôm nay. Những gì Khang làm được đều trên nền truyền thông và công nghệ.
Nhiều người trẻ lẫn trung niên khi xem kênh TikTok của Khang đã bị cuốn hút vì nhìn thấy mình trong đó. Người lớn có thể thấy quê hương, xóm giềng, tuổi thơ mình; người đang có những sự bế tắc có thể thấy trường hợp Khang như một nỗ lực thay đổi cuộc đời khi một cậu bé nhà quê học chỉ hết lớp 7, lên Sài Gòn tìm việc rồi lại về quê đã bắt đầu khởi nghiệp từ việc làm clip về những chi tiết đời sống miền quê dung dị. Mặc dù hạn chế về trình độ, học vấn và về công nghệ nhưng sự đam mê và nỗ lực của Khang là điều không thể phủ nhận.
Lê Tuấn Khang, qua thành công ban đầu của mình, đã tạo ra bối cảnh khiến nhiều người làm truyền thông phải tự đặt ra câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả lời: Làm thế nào để các sản phẩm thông tin, truyền thông của mình thu hút được công chúng?