Tìm hiểu bài học Silicon Valley, bổ sung kinh nghiệm xử lý ngân hàng yếu kém Việt Nam

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập bài học từ khủng hoảng Ngân hàng Silicon Valley, Mỹ, khi góp ý sửa Luật Các tổ chức tín dụng Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành đề xuất của Chính phủ, bổ sung nhiệm vụ sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, kỳ họp tháng 5 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu và đến kỳ họp cuối năm, tháng 10 sẽ thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Để thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết việc sửa đổi đạo luật này tập trung làm rõ 6 chính sách lớn: Quản trị, điều hành ngân hàng; hoạt động và các giới hạn an toàn; ngân hàng điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng; cơ cấu lại và xử lý ngân hàng yếu kém; xử lý nợ xấu; xử lý tài sản bảo đảm.

Trong đó, đáng chú ý là nhóm quy định liên quan kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể ngân hàng. Dự luật bổ sung các quy định về can thiệp sớm, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm soát đặc biệt, khoản vay đặc biệt, biện pháp hỗ trợ trước khi có phương án cơ cấu lại…

Góp ý cho báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng cần đánh giá rõ hơn công tác quản lý, xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua với các biện pháp như mua bắt buộc, đưa vào kiểm soát đặc biệt... thì giải quyết được những vấn đề gì, những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn là do quy định hay do công tác tổ chức, thi hành pháp luật. Có vậy mới bóc tách, làm rõ các vấn đề mới về chính sách để sửa Luật Các tổ chức tín dụng.

''Theo dự luật, NHNN có thể cho ngân hàng bị kiểm soát những khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm. Vậy trường hợp nào được vay và giới hạn vay là bao nhiêu? Thường trực Ủy ban Kinh tế đang quan ngại về cơ chế này, bịt lỗ hổng bé nhưng lại tạo ra lỗ hổng lớn hơn? Cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến tiền của xã hội, tiền của Nhân dân như thế nào'' – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Nêu ví dụ về trường hợp xử lý Ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Mỹ cam kết đảm bảo cho những người gửi tiền và sử dụng nguồn lực tài chính từ Quỹ Bảo hiểm tiền gửi với điều kiện phải có tài sản bảo đảm.

Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ cơ chế cho vay đặc biệt này và cho rằng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần tiến hành song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi. "Từ ngày thành lập, Bảo hiểm tiền gửi chỉ tích lũy tiền để đấy, không dùng làm gì. Nguồn lực này rất lớn, cần lấy nguồn này dùng cho việc xử lý ngân hàng yếu kém trong lúc nguồn lực Nhà nước còn hạn chế" - ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng cần được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao góp phần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, cải thiện chỉ số an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống, qua đó góp phần gia tăng sức chống chịu hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm