Tìm mối liên kết cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

(PLO)-  Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đặt vào vị trí trung tâm và định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-7, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung trong bối cảnh mới. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết và ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chủ trì tọa đàm.

Cùng tham dự tọa đàm có các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Trung; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các chuyên gia

Tránh xung đột phát triển vùng với địa phương

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng vùng KTTĐ miền Trung có nhiều tiềm năng và cần phải khai thác hợp lý, nếu không lợi thế phát triển vùng sẽ bị hạn chế.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định vùng KTTĐ miền Trung có nhiều tiềm năng mang tính tương đồng. Những tiềm năng này cần phải khai thác hợp lý, nếu không lợi thế phát triển vùng sẽ bị xung đột bởi sự phát triển của từng địa phương.

“Hạ tầng kết nối vùng còn kém, mức độ khai thác cảng biển, trình độ phát triển các khu công nghiệp còn thấp. Lực lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ mạnh nên số doanh nghiệp Việt Nam đủ lực khai thác lợi thế của vùng này còn ít, yếu. Đặc thù vùng KTTĐ miền Trung là các tỉnh gần đây bùng lên phát triển mạnh mẽ nhưng đó là từng tỉnh, khái niệm vùng chưa được thể hiện” - PGS-TS Thiên đánh giá.

Bí thư các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thảo luận tại hội nghị. Ảnh: THANH NHẬT

Bí thư các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thảo luận tại hội nghị.
Ảnh: THANH NHẬT

Ông Thiên cho rằng miền Trung cần đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển, xác định khả năng “lật ngược” tình thế phát triển và có cách tiếp cận phát triển mới, đột phá mạnh. Cạnh đó, cần xây dựng phát triển quy hoạch vùng, xác định cấp độ lợi thế vùng của cảng biển, cảng hàng không, tài nguyên du lịch để định hình cấp độ và trật tự ưu tiên các dự án lớn, chặn nguy cơ “đua tranh, tranh chấp phát triển”. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập được cơ chế vận hành và điều hành phát triển vùng KTTĐ miền Trung…

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, đánh giá vùng KTTĐ miền Trung có khát vọng vươn lên thoát nghèo cực lớn. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng về du lịch, đô thị, nông nghiệp, cảng biển… Nếu khai thác hết các tiềm năng, vùng KTTĐ miền Trung sẽ trở thành một khu vực phát triển của cả nước.

Theo TS Du Lịch, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng vùng KTTĐ chưa phải là nơi hấp dẫn đầu tư. Hiện nay, vấn đề con người cũng là điểm nghẽn cản trở phát triển. Ông cho rằng cần phải thu hút con người, kết nối xương cá vùng Tây Nguyên - duyên hải, nếu tách ra sẽ khó phát triển.

Đề xuất xây dựng luật phát triển vùng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng mỗi vùng kinh tế tùy đặc điểm sẽ có một hoặc hai vùng KTTĐ. Vấn đề liên kết vùng nhất thiết phải theo vùng KTTĐ mà theo nhu cầu liên kết ở các địa phương ở từng khu vực.

Ông Thanh cho rằng cần thiết phải xây dựng một luật phát triển vùng. “Tùy theo vùng kinh tế, vùng trọng điểm, nhu cầu liên kết giữa các địa phương… cần thiết phải cho các địa phương trong vùng đó chủ động đề xuất cơ chế để đưa vào quy định. Như vậy tự nhiên các vùng, các cụm liên kết sẽ phát triển” - ông Thanh nhận định.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng ngân sách hằng năm không phân bổ về vùng KTTĐ nên không có nguồn lực, Luật Ngân sách cũng là điểm nghẽn cản trở phát triển liên kết vùng. Ngoài ra, cơ chế cho các nhà đầu tư vào các dự án mang tính liên kết vùng không có.

“Xác định vai trò của trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với vùng, tôi nghĩ là bộ hay phó thủ tướng là người chịu trách nhiệm điều phối việc và có quyền lực thực sự để làm việc đó” - Bí thư Quảng nói.

Kết luận buổi tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định vùng KTTĐ miền Trung là một bộ phận quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và với nhiều tiềm năng, lợi thế nên được Nghị quyết 39 đặt vào vị trí trung tâm, định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

“Tọa đàm này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở giúp Ban chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của vùng trong thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ trong thời gian tới…” - trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận.

Cần có cơ chế liên kết vùng trong giai đoạn mới

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng các địa phương trong vùng đi lên từ nghèo khó, đến nay đã có đóng vào ngân sách trung ương. Tuy nhiên, kết quả này thể hiện từ nỗ lực của từng địa phương là chính, vấn đề liên kết vùng chưa cao.

“Vùng KTTĐ miền Trung hiện nay không có cơ chế, chính sách gì mới, kết nối giao thông còn hạn chế… Tôi nghĩ thời gian tới chúng ta cần phải có cơ chế liên kết vùng trong giai đoạn mới, làm sao để vùng KTTĐ miền Trung tạo sự lan tỏa cho các vùng khác” - bí thư Bình Định nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.