20 giờ 30 ngày 25-11, tôi từ Bình Thuận quay về Sài Gòn giữa lúc thông tin cơn bão số 9 đã suy yếu thành ấp tháp nhiệt đới. Mưa tối mặt trên diện rộng, đường phố Sài Gòn ngập như sông.
Giữa dòng người hối hả, khi tôi đang khó khăn điều khiển xe qua dòng nước cuồn cuộn thì bất ngờ xuất hiện người đàn ông đứng tuổi, phong phanh trong chiếc áo mưa màu vàng, rẻ tiền, mỏng tang đứng chắn giữa đường Nguyễn Biểu, quận 5 dưới chân cầu Chữ Y. Một tay ông giữ chặt cành cây xanh để báo hiệu đường có chướng ngại, tay còn lại khua chiếc đèn pin với ánh sáng vàng vọt loang loáng để cảnh báo cho mọi người không đi vào nơi nguy hiểm.
Mỗi lần dòng xe di chuyển qua là mỗi lần người đàn ông ấy lảo đảo chực ngã nhưng ông vẫn gắng gượng đứng đó như một biển báo sống giữa đường.
Người đàn ông mặc chiếc áo mưa mỏng tang, tay cầm cành lá, tay cầm đèn pin cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường trong mưa bão. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Về đến nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi. Không hiểu người đàn ông ấy đứng đó suốt đêm co ro lạnh lẽo hay ông chỉ chịu đựng trong thời gian ngắn làm công việc không giống ai của mình. Nhưng cho dù ông ấy đứng bao lâu đi nữa, cho dù những tấm ảnh chúng tôi chụp mờ nhoẹt qua mưa bão... thì hình ảnh người đàn ông ấy vẫn sáng rực, rõ nét dưới chân cầu Chữ Y và ấm áp tình người.
Những khách sạn ở Vũng Tàu mở cửa mời người dân và những người khuyết tật vào trú qua đêm.
Tình người trong cơ bão số 9 còn nhiều lắm. Đó là hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nơi dự kiến tâm bão số 9 sẽ đổ bộ mở rộng cửa đón những người có nhà cửa tạm bợ, ở nơi xung yếu vào tránh bão. Đó là những khách sạn ở Vũng Tàu mở cửa mời người dân và những người khuyết tật vào trú tạm đêm qua 25-11. Nhìn hình ảnh cha con người đàn ông đi xe lăn vào một khách sạn ở Vũng Tàu, không dám nằm xuống những chiếc giường nệm trải drap trắng muốt mà thấy thương thương. Đó cũng hình ảnh cụ già vô gia cư co ro bên hiên nhà ở Sài Gòn được ai đó tặng cái bánh bao nóng hổi giữa đêm mưa gió mà ấm áp đến lạ.
Người Việt thường có tinh thần tương thân tương ái, đặc biệt là người Sài Gòn luôn làm chuyện “không giống ai” như người đàn ông dưới chân cầu Chữ Y. Những hành động đẹp ấy lâu dần thành thói quen và thói quen lâu dần trở thành bản sắc của người Sài Gòn.
Một khách sạn ở Vũng Tàu mở cửa đón người dân vào tránh bão. Ảnh: FB
Cụ già vô gia cư ăn hộp cơm nóng giữa mưa gió dưới hiên nhà ở Sài Gòn. Ảnh: FB