Góp ý cho dự luật này, ông Lý cho rằng hiện nay có quan niệm “dân kiện quan, quan kiện dân”. Nếu xuất phát điểm như vậy, mọi quy định luật pháp đều lệch lạc, không theo một chuẩn nào. Ông Lý đề nghị quan điểm làm luật phải căn cứ trên cơ sở của Hiếm pháp.
“Hiến pháp quy định thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong xét xử là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không ai được can thiệp vào quá trình xét xử. Trong một cơ quan chính thức mà lại lập luận cơ quan tòa án huyện lại sợ cơ quan hành chính huyện. Không có cái lý nào như thế cả”, ông Lý nói.
Theo ông, cái nên làm là đưa ra các quy định tạo điều kiện cho thẩm phán, tòa án cấp huyện làm được nhiệm vụ của họ. “Nếu cứ theo đà các cấp sợ nhau thì cấp huyện đẩy cấp tỉnh, cấp tỉnh đẩy đi đâu?”, tình trạng này sẽ trái với Nghị quyết của Đảng về mở rộng thẩm quyền của Toà án cấp huyện (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị), ông Lý nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý
Vấn đề thẩm quyền của TAND cấp huyện, tỉnh đã được đề cập trong điều 33, 34 của dự thảo luật. Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho biết về nội dung này hiện vẫn có ba loại ý kiến, trong đó đa số tán thành việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện, nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện đến sự độc lập của thẩm phán.
Tuy nhiên, đa phần ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính.
Để giải quyết những vướng mắc cho Tòa án cấp sơ thẩm, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định theo hướng: “Theo đề nghị của TAND cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết...”.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên rà soát, chỉnh lý lại luật theo hướng “cấp nào thụ lý vụ án hành chính ở cấp đó”. Nếu thực hiện việc tòa cấp trên xử án hành chính cấp dưới lại sai luật. Đồng thời có các quy định cụ thể để cấm, hạn chế việc can thiệp của cơ quan hành chính vào quá trình xét xử của toà đồng cấp...