Ông Nguyễn Khánh Phương (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có đơn gửi đến báo Pháp Luật TP.HCMvề việc Cục Thi hành án (THA) dân sự TP Cần Thơ chậm thực hiện việc ra quyết định cưỡng chế đối với người phải THA, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông.
Được tòa tuyên trả lại ba chiếc xe
Ông Phương cho biết ông là bị hại trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai bị cáo Bùi Thế Tín và Trương Tấn Phát.
Theo đó, xử sơ thẩm, TAND TP Cần Thơ buộc bị cáo Tín bồi thường cho ông 170 triệu đồng (do chiếm đoạt ba chiếc xe máy hiệu SH Mode, Rebel và SH 300i). Sau đó, ông Phương kháng cáo theo hướng buộc bị cáo Tín trả cho ông ba chiếc xe máy, tuyên hủy các giấy chứng nhận đăng ký xe sau này và trả lại cho ông bản gốc các giấy tờ xe của ba chiếc xe ông đã nộp.
Ông Nguyễn Khánh Phương mong sớm được nhận lại ba chiếc xe như tòa phúc thẩm đã tuyên. Ảnh: NHẪN NAM
Xử phúc thẩm vào tháng 9-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của ông Phương, sửa bản án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng, trả lại cho ông ba giấy chứng nhận đăng ký xe (mà ông đã giao nộp) và ba chiếc xe máy hiệu SH Mode, Rebel và SH 300i. Đồng thời, tòa tuyên tịch thu tiêu hủy ba giấy chứng nhận xe trên mang tên TTHV, NVN và LHK.
Theo tòa, bị cáo Tín thực hiện việc mua bán và có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản là ba chiếc xe trên. Sau đó Tín đem cầm cố, thế chấp cho người liên quan và những người này làm thủ tục sang tên, đăng ký chủ sở hữu…
Tang vật được xác định nhưng không thu hồi Theo bản án phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết ba chiếc xe lúc đầu của ba người khác, những người này bán và sang tên cho ông Phương. Sau đó, bị cáo Tín lần lượt mua ba chiếc xe này của ông Phương với phương thức trả trước lần lượt 5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 5 triệu đồng, nợ lại 197 triệu đồng. Sau đó Tín thế chấp lấy tiền tiêu xài rồi bỏ mặc, có chiếc Tín bán cho người ở TP Cần Thơ, bị ông Phương phát hiện, ngăn chặn thì người này trả xe cho Tín rồi Tín lại mang đi cầm nơi khác… Một chiếc xe sau đó được sang tên cho TTHV vào năm 2016. Xe Rebel được bán cho NVN vào năm 2018, hiện do người này quản lý, sử dụng, hứa bảo quản để cơ quan pháp luật xử lý theo pháp luật. Xe SH 300i được sang tên cho LHK vào năm 2017, hiện được LHK tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra. Ba chiếc xe được định giá 86 triệu đồng, là tang vật của vụ án. Các xe này được sang tên một cách trái pháp luật… Tang vật của vụ án đã được xác định nhưng không được thu hồi, tài sản chiếm đoạt xác định là 86 triệu đồng nhưng buộc bị cáo bồi thường 170 triệu đồng là bất lợi cho bị cáo… Từ đó, đại diện VKS cho rằng cần hủy một phần bản án về dân sự liên quan đến ba chiếc xe này. |
Tòa cho rằng ba chiếc xe là tang vật trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan điều tra và cấp sơ thẩm chấp nhận việc đăng ký chủ sở hữu và công nhận họ là các chủ sở hữu hợp pháp tài sản trên là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Phương.
Mới chỉ nhận được ba giấy đăng ký
Theo ông Phương, sau khi có bản án phúc thẩm, đầu năm 2021, ông làm đơn yêu cầu THA theo như bản án tuyên. Tuy nhiên, đến tháng 10-2021, Cục THA dân sự TP Cần Thơ mới chỉ tiến hành lập biên bản bàn giao/giao trả cho ông ba giấy chứng nhận đăng ký của ba chiếc xe nêu trên.
Ông Phương cho rằng kể từ ngày ra quyết định THA tháng 12-2020 của Cục THA dân sự TP Cần Thơ thì thời hạn tự nguyện THA đối với người phải THA đã hết nhưng cục chưa ra quyết định cưỡng chế đối với người phải THA (những người đang quản lý ba chiếc xe của ông). Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông.
Ông Lê Minh Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ THA, Cục THA dân sự TP Cần Thơ, cho biết ông Phương có yêu cầu nhận lại ba chiếc xe. Tuy nhiên, cơ quan THA làm việc với công an thì bên công an nói không có xe do không thu giữ. Vì vậy, Cục THA mới làm công văn đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM giải thích tài sản đó ở đâu hay ai sẽ là người giao trả ba chiếc xe đó cho đương sự. Ông Trung cho biết cơ quan THA đã gửi văn bản cho TAND Cấp cao hai lần rồi.
“Chúng tôi đã gửi văn bản rồi, chờ TAND Cấp cao trả lời rồi mới giải quyết tiếp” - ông Trung cho hay.
Tòa phúc thẩm cần giải thích, buộc người liên quan giao xe Cơ quan điều tra không kịp thời thu hồi tang vật và VKS, tòa án không phát hiện ra việc sai sót này do đánh giá chứng cứ chưa chính xác. Bị cáo Tín chiếm đoạt tài sản là ba chiếc xe của bị hại để bán cho người khác nhưng cấp sơ thẩm nhận định giao dịch này là hợp pháp là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, tòa án cấp sơ thẩm không kịp thời thu hồi tang vật và xử lý giao trả tang vật cho bị hại theo quy định. Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục sai sót của cấp sơ thẩm, sửa bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng nhưng chưa đầy đủ, giao trả xe cho bị hại mà ai là người phải trả thì nêu không rõ. Theo như quyết định của án phúc thẩm thì Cục THA phải chủ động THA trả xe cho ông Phương. Do Cục THA dân sự TP Cần Thơ không nhận tang vật từ cơ quan điều tra giao nên không có xe để giao trả cho bị hại. Chấp hành viên cũng không thể cưỡng chế người liên quan vì bản án không tuyên. Theo bản án phúc thẩm thì các xe này đều xác định rõ người đang quản lý trực tiếp. Vì vậy, tòa phúc thẩm cần sớm có văn bản giải thích, theo đó buộc những người liên quan có trách nhiệm giao trả chiếc xe đang quản lý cho ông Phương. Từ đó, Cục THA mới có căn cứ để tổ chức việc THA giao trả tang vật cho bị hại theo quy định. Và như vậy thì những người liên quan là những người phải THA. Nếu người phải THA không THA thì chấp hành viên mới có căn cứ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật THA dân sự, đảm bảo được quyền lợi cho ông Phương. Luật sư TRẦN CHẤN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ |