Những hậu quả khó lường từ tấn công mạng
Chiến tranh và các hoạt động phá hoại trong tương lai ngày càng dựa trên các phương thức “phi đối xứng” mà tác chiến trên không gian mạng là một trong những phương thức như vậy.
Các chính phủ, hay các nhóm thù địch, có thể phát động tấn công gây thiệt hại đáng kể lên cơ sở hạ tầng của một quốc gia hay một công ty mà khó có thể bị phát hiện và phản ứng kịp thời.
Hậu quả sẽ xuất hiện ngay lập tức. Không giống như chiến tranh quy ước hay chiến tranh hạt nhân, chưa có đủ các điều luật quốc tế điều chỉnh cho hành vi chiến tranh này.
Lính Mỹ tại Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng (US Air Force via Wikimedia Commons)
Một cuộc tấn công mạng tới từ một nguồn không xác định có thể làm tê liệt hệ thống cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia, ví dụ như hệ thống điện, giao thông, thông tiên liên lạc, vệ tinh, làm tê liệt các hệ thống thông tin nội bộ của quân đội, ngăn cản quá trình giao dịch tài chính quốc tế…
Và cũng có vô số cách thức để tấn công mạng, từ đơn giản như đánh sập máy chủ bằng DDoS cho tới phức tạp như chiếm quyền điều khiển của cả một mạng lưới máy chủ rộng lớn.
Rủi ro lớn như vậy nhưng không phải quốc gia nào cũng có đủ năng lực để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng.
Và nếu có năng lực thì cũng hạn chế và luôn phải cập nhật, vì tiến bộ công nghệ biến đổi không ngừng nghỉ. Xây dựng được một năng lực tác chiến và phản công mạng hiệu quả cần nhà nước đầu tư lớn và xây dựng một chiến lược rõ ràng, có lộ trình.
Mỹ: "Hạ tầng mạng là tài sản chiến lược quốc gia"
Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi an ninh mạng và cao hơn là chiến tranh mạng như là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ xem một cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ là hành vi gây chiến và Tổng thống Obama năm 2009 tuyên bố hệ thống cơ sở hạ tầng mạng của Mỹ là “tài sản chiến lược cấp quốc gia”.
Tháng 5-2010, Lầu Năm Góc chính thức thành lập Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng (USCYBERCOM) đứng đầu bởi giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ cũng như tấn công hệ thống của các quốc gia khác (trong trường hợp có chiến tranh).
Tuy nhiên, USCYBERCOM chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quân đội Mỹ, còn đối với các hệ thống hạ tầng mạng của doanh nghiệp hay chính phủ, trách nhiệm thuộc vệ Bộ An ninh nội địa.
Liên hiệp châu Âu (EU) cũng như nước Anh, Nga hay Nhật Bản đều có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng. Quy mô, biên chế hay ngân sách dành cho lĩnh vực này là khác nhau tùy vào chiến lược cụ thể của từng nước.
Trung Quốc: Kiểm soát mạng là mục tiêu hàng đầu
Trung Quốc chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang tiến hành cải cách một cách mạnh mẽ cơ cấu và hệ thống an ninh quốc phòng của nước này, từ chống tham nhũng cho tới cải cách cấu trúc quân đội. Chiến tranh mạng đóng vai trò khá quan trọng.
Đại tá Lý Minh Hải thuộc ĐH Quốc phòng quốc gia Trung Quốc viết trên Hoàn Cầu rằng cần phải xây dựng một lực lượng tác chiến mạng mạnh để chống lại năng lực tấn công mạng từ Mỹ. Tổng cục 3 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc (3PLA), phụ trách tác chiến mạng, được cho là có quân số trên 100.000 người.
Các sĩ quan Trung Quốc sử dụng máy tính tại Hợp Phì, tỉnh An Huy năm 2008 (AFP)
Được đánh giá là một trong những chuyên gia về an ninh mạng hàng đầu Trung Quốc, các phát biểu của Đại tá Hải có độ tin cậy nhất định. Cũng bởi các thông tin liên quan đến chủ đề này được đánh giá là tối mật và ít khi được công khai.
Theo vị chuyên gia này, đối với Trung Quốc, kiểm soát được không gian mạng trong thế kỷ 21 có tầm quan trọng quyết định, tương tự như việc kiểm soát biển cả trong thế kỷ 19 hay kiểm soát không gian trong thế kỷ 20.
Đối với Trung Quốc, một cường quốc trên không gian mạng phải kết nối song song hoạt động trên mạng với các hoạt động quân sự truyền thống. Lực lượng tác chiến mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng cụ thể như đường truyền Internet, hệ thống viễn thông và máy tính của đối thủ.
Yếu tố ưu tiên quan trọng khác là đào tạo đội ngũ tin tặc chuyên nghiệp trực thuộc biên chế quân đội.
Điều này cũng trùng khớp với các thay đổi cấu trúc trong thời gian gần đây của quân đội Trung Quốc khi một quân chủng mới được thành lập vào cuối năm ngoái bao hàm cả các lực lượng tác chiến mạng và tác chiến không gian.
Nên lưu ý rằng cơ sở cho tác chiến mạng của Trung Quốc không chỉ bao gồm sự tham gia của quân đội. Hai nhóm khác bao gồm các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực tình báo dân sự hay các cơ quan an ninh, cũng như một số đơn vị nằm ngoài hệ thống chính quyền vốn có thể được điều động cho các loại tấn công mạng khác nhau, với những mục tiêu khác nhau.
Phần 2: Những cuộc tấn công đình đám