Tối ngày 5-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh hai ngày 6 và 7-9, các chốt kiểm soát vào vùng 1 (gồm 10 quận huyện trung tâm và 1 phần địa giới của 5 quận huyện khác) chỉ kiểm tra, nhắc nhở về việc thực hiện giấy đi đường mới trong đợt giãn cách thứ 4.
Tuy nhiên từ 7g30 sáng ngày 6-9 đã xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ tại một số chốt kiểm soát do 39 chốt kiểm soát đồng loạt ra quân kiểm tra, nhắc nhở người đi đường.
Ùn tắc cục bộ đầu giờ sáng
Tại chốt kiểm soát Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), làn đường hướng về nội đô đã bị ùn tắc cục bộ khoảng 30 phút vào buổi sáng do lượng người đi làm trong nội thành phải xuất trình giấy tờ để được thông chốt. Sau đó lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt đã khẩn trương giải tỏa ùn tắc tại các chốt, để giao thông thông thoáng hơn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) thông tin lực làm nhiệm vụ tại chốt đã phải lập hàng rào kéo dài hàng chục mét để phân luồng từ xa, bảo đảm phương tiện không bị ùn ứ khi lưu thông qua chốt.
Trong buổi sáng nay, bên cạnh việc nhiều người dân đưa ra được giấy đi đường theo mẫu mới, thì với những mẫu giấy đi đường cũ, người dân trình bày còn đang đợi thủ tục cấp phép đều được nhắc nhở, tuyên truyền nhanh chóng hoàn thiện trong 2 ngày tới.
Chốt kiểm soát cửa ngõ vùng 1 tại chân cầu Vĩnh Tuy (Hai Ba Trưng) kiểm tra các phương tiện lưu thông
Tương tự các chốt kiểm soát khác vào cửa ngõ của vùng 1 của Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng ùn cục bộ vào đầu giờ sáng, nhưng ít phút sau đó đã được giải tỏa, người và phương tiện lưu thông bình thường.
Hầu hết các chốt này đều thực hiện dừng xe, kiểm tra xác xuất, nhắc nhở tuân thủ quy định về giấy đi đường đối với người lưu thông trên đường trong ngày. Tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đến 17g chiều lực lượng chức năng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, nhiều phương tiện bị dừng lại kiểm tra, nhưng không xảy ra ách tắc.
Ghi nhận trong ngày các phương tiện vẫn lưu thông bình thường trên đường trong địa phận vùng 1 mà không gặp bất cứ chốt kiểm soát nào. Lượng phương tiện lưu thông đông hơn so với đợt giãn cách trước (kéo dài từ 24-7 đến 22-8) tại Hà Nội.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại trong khu vực vùng 1 chỉ có các chốt kiểm soát vùng xanh, vùng đỏ lập tại tổ dân phố, khu dân cư. Các chốt này đều thực hiện kiểm soát người lạ, người giao hàng vào khu dân cư. Còn người từ khu dân cư ra ngoài thì có nơi thực hiện kiểm tra, có nơi buông lỏng.
Chẳng hạn tại chốt kiểm soát vùng xanh khu chung cư Gelexia Riverside (Yên Sở, Hoàng Mai) thì chỉ kiểm tra luồng người vào, luồng ra ngoài không kiểm tra. Còn tại Khu đô thị Time City thì cư dân phải có giấy đi đường, phiếu đi chợ mới được ra ngoài...
Đề xuất người tiêm 2 mũi vaccine được lưu thông
Trong ngày 5 và 6-9, nhiều quận huyện của Hà Nội đã phê duyệt phương án phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất sau đợt giãn cách thứ 3. Theo đó, các quận, huyện đã đối với các vùng, khu vực không có dịch hoạt động sản xuất, thương mại dần được mở lại bình thường.
Cụ thể như tại huyện đều chủ động thực hiện khoanh thành 3 vùng tùy theo nguy cơ dịch để có phương án tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế linh hoạt. Trong đó vùng đỏ là nơi có dịch, áp dụng kiểm soát chặt chẽ theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng cam và vùng xanh nơi vừa kết thúc dịch, hoặc không có dịch các hoạt động được mở dần.
Cụ thể tại huyện Gia Lâm, trong ngày 6-9 các cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn tại 19/22 xã đã được mở lại theo hình thức bán hàng mang về, hoạt động sản xuất được khôi phục nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch. Quận Bắc Từ Liêm, cũng xác định các vùng 2, 3 ít nguy cơ dịch hơn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Sáng ngày 6-9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định việc thực hiện phân 3 vùng ở Thủ đô, từ ngày 6-9, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và xuất phát từ yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở mức cao hơn, đồng thời khôi phục sản xuất kinh doanh ở những vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho “vùng đỏ”.
Chốt kiểm soát cửa ngõ vùng 1 tại chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Ba Trưng) kiểm tra các phương tiện lưu thông
Trong đó, tại Vùng 1 - vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhiệm vụ trọng tâm là phải hạn chế lượng người ra đường tránh lây lan dịch bệnh. Trong những ngày vừa qua, số ca F0 mới được phát hiện ở Vùng 1 đã giảm dần, nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Thành phố Hà Nội đã giao Công an TP tham mưu phương án cấp giấy ra đường cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, bảo đảm nhanh, gọn, thuận tiện; lập các chốt kiểm soát, tổ chức kiểm tra lưu động trên các tuyến đường theo hướng siết chặt hơn nhằm hạn chế lượng người ra đường, thực hiện giãn cách triệt để ở “vùng đỏ”.
Trước mắt, trong 2 ngày đầu, các lực lượng chủ yếu kiểm tra để tuyên truyền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác chấp hành; đồng thời, rà soát đánh giá, cần thiết điều chỉnh vị trí bố trí các chốt, tổ chức lại phân làn, phân luồng giao thông.
Cùng với đó Hà Nội sẽ tận dụng tối đa khoảng thời gian đợt giãn cách thứ 4 để bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng, ưu tiên xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao. Đẩy nhanh tiêm vaccine theo phương châm vaccine về đến đâu, thực hiện tiêm hết đến đó.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sớm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thì ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân.
TP Hà Nội đã vừa kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế một số nội dung. Trong đó, TP kiến nghị xem xét giao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định thời gian cách ly đối với F1 để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho cộng đồng.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vắc xin để, đến ngày 15-9, TP đạt tỷ lệ cao đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng; thường xuyên cập nhật bổ sung cơ số thuốc, phác đồ điều trị, nhất là các thuốc mới, đặc hiệu để đem lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, TP cũng đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch như thế nào. Đây là vấn đề đang được dư luận, nhân dân trên địa bàn quan tâm, đề nghị sớm có quy định cụ thể.
Đã cấp khoảng 80 ngàn giấy đi đường Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, tính đến 17 giờ 30 phút chiều 6-9, đơn vị đã duyệt, cấp khoảng 80 ngàn giấy đi đường cho các tổ chức thuộc phân cấp của Phòng CSGT. Đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội thông tin thêm, giấy đi đường có mã nhận diện (QR code) của phương tiện và người điều khiển ô tô sẽ được Phòng CSGT gửi tới Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực qua thư điện tử để chuyển trả cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân. Đối với giấy đi đường có mã nhận diện cho người điều khiển mô tô: Phòng CSGT sẽ in, ký, đóng dấu và gửi tới cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để gửi trả cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu. |