Có nơi chất thải độc hại được đào hố chôn sâu, bên trên phủ đất trồng cây, phi tang dấu vết.
Mỗi khi có xe đưa chất thải vào đổ, chủ đất hoặc những người bảo kê khu đất đứng ra thu tiền, từ vài trăm đến vài triệu đồng/chuyến, tùy vào mức độ độc hại của chất thải. Cứ thế, chỉ cần lập được một bãi rác chui là chủ bãi rác đã thỏa sức đếm tiền. Nhưng không chỉ có chủ đất mà những người đứng sau, điều hành những đường dây thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cũng giàu lên chóng vánh vì không phải tốn nhiều chi phí hoạt động.
Vụ cảnh sát môi trường Đồng Nai vừa bắt quả tang xe tải đưa chất thải về đổ ở một khu đất tại xã Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cách đây vài hôm có thể là kiểu làm ăn như thế.
Một chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai từng tâm sự với tôi rằng ông biết có những doanh nghiệp hành nghề xử lý chất thải nhưng chẳng xử lý gì, toàn đưa chất thải đi đổ bậy để thu tiền. Thế nhưng do những đơn vị này có “quan hệ rộng” nên nhiều công ty, nhà máy buộc vào thế phải chuyển giao chất thải cho họ. Hậu quả, nhiều đơn vị phải bỏ ra một số tiền lớn cho công tác thu gom, xử lý chất thải nhưng trên thực tế chất thải lại không được xử lý mà đưa đi đổ bậy, gây ô nhiễm môi trường. Đó là tội ác từ cách làm giàu bất lương.
Tất nhiên, để một bãi rác trái phép có thể hoạt động, thu về những số tiền khổng lồ phải có sự “phối hợp” từ chủ đất, người bảo kê khu đất hay những đơn vị thu gom, xử lý chất thải và cả những thế lực ngầm ẩn mình phía sau. Thường các đơn vị có chức năng xử lý chất thải ký hợp đồng xử lý nhưng không đứng ra thu gom chất thải mà thông qua một đơn vị khác… nên khi bị phát hiện, thường chỉ xử lý được phần ngọn. Đó là chưa nói đến chuyện có nhiều bãi rác hoạt động trái phép cả năm bảy năm trời nhưng vẫn chưa bị xử lý.
Một chủ đất gần nơi tập kết chất thải ở khu vực Sông Mây, xã Bắc Sơn chia sẻ với chúng tôi rằng may mà cảnh sát môi trường bắt quả tang được xe đổ chất thải, may mà báo chí lên tiếng chứ không tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ở đây sẽ còn tiếp tục kéo dài và hậu quả sẽ rất khôn lường. “Họ đổ rác, đổ hóa chất ở đây đã mấy năm nay chẳng lẽ chính quyền không hay?” - ông đặt câu hỏi với giọng ngao ngán.
Ấy vậy mà khi chúng tôi đặt câu hỏi với một vị lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai về tình trạng ô nhiễm ở khu vực Sông Mây, vị này nói cần phải có nhiều thời gian mới nắm được thông tin. Hay cũng giống như vụ chôn chất thải của Formosa ở Hà Tĩnh, khi vụ việc được phát giác, cơ quan quản lý môi trường mới hốt hoảng giật mình. Là cơ quan quản lý về môi trường nhưng không ngăn được tội ác của những kẻ trục lợi từ hoạt động thu gom, xử lý rác, lẽ nào lại vô can?