Ngày 21-2, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng (CFSCD) và CLB Honda Dearm II tổ chức chiến dịch truyền thông “ĐÚNG! Chúng ta có thể - đẩy lùi bạo lực!”.
Chiến dịch đẩy lùi bạo lực gia đình có sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ. Tại đây nhiều bạn trẻ đã bật khóc khi nghe câu chuyện của bạn Nguyễn Ngọc Phú, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí Tuyên truyền.
Bạn trẻ hưởng ứng chiến dịch đẩy lùi bạo lực gia đình. Ảnh: VIẾT LONG
Bạn Phú kể: "Bản thân tôi, đã từng là một người con, hay nói như tiếng nói của các bạn - là một nạn nhân, phải sống chung với bạo lực gia đình ngay từ nhỏ. Tôi đã từng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng khi chamình đánh mẹ.
Tôi, một cậu bé chín tuổi khi ấy, không biết làm gì khác là ôm chân cha, để ngăn những cú đánh trời giáng vào cơ thể yếu ớt của mẹ tôi. Tôi cảm thấy đau đớn như thể những cú đánh ấy giáng trực tiếp vào cơ thể tôi, đau hơn là nó đã bóp nghẹt trái tim của một đứa bé, khiến tôi vừa hoảng loạn, sợ hãi vừa đau đớn, giận dữ.
Tôi cũng đã từng chạy ra ngoài và kêu lên: “Các bác các chú ơi, cứu mẹ cháu với, cha cháu đánh mẹ cháu”. Cái cảm giác run rẩy, xấu hổ, tủi thân bủa vây đứa con trai như tôi nhưng tôi hiểu tôi không còn sự lựa chọn nào khác khi một người thân yêu của tôi đang đau đớn, còn một người tôi cũng yêu thương nhất đang bị tôi tố giác với mọi người.
Hàng ngàn chữ ký của bạn trẻ cam kết đẩy lùi bạo lực gia đình. Ảnh: VIẾT LONG
Có những lúc tôi chỉ nhận được ánh mắt ái ngại của người đi đường, hàng xóm có qua can ngăn đấy nhưng họ đến nơi cũng là lúc tàn cuộc. Khi ấy tôi chỉ thấy thêm uất ức, khi tại sao mọi người không đến can ngăn cha tôi sớm hơn, để mẹ tôi có thể bớt đi vài vết bầm tím trên người. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng chuyện chồng đánh vợ là chuyện cơm bữa, chuyện mà nhà nào ở quê tôi cũng gặp phải. Và những người hàng xóm, họ coi đó không phải là chuyện của mình, họ tự mặc định rằng đã là chồng thì có quyền đánh vợ, có quyền dạy vợ.
Tôi là một người con, đôi khi tôi tự nhủ liệu có thật cha có quyền đánh mẹ không, mẹ đã sai ở đâu nhưng tại sao cha có quyền, có thể khiến mẹ phải đau đớn nhiều như vậy. Tôi không hiểu!
Bạo lực gia đình không chỉ bắt đầu từ nam giới. Ảnh: VIẾT LONG
Tôi tin rằng cũng có rất nhiều bạn sinh viên có mặt trong hội trường ngày hôm nay, đã trải qua những năm tháng tuổi thơ phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng đến uất nghẹn như vậy. Và cũng đã có rất nhiều lần cảm thấy căm thù người cha vũ phu của mình và yêu thương mẹ đến nhường nào...".
Từ những gì chứng kiến, Phú hy vọng từ con tim của mỗi người, hãy suy nghĩ để thay đổi từ cách hành xử, những hành vi của mình. Mỗi hành động nhỏ đều hướng đến một xã hội đẩy lùi bạo lực!
Bà Lê Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, cho biết: "Từ năm 2007 đến nay, trung tâm đã và đang vận hành mô hình Ngôi nhà bình yên hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị mua bán trở về (hay còn gọi là người tạm trú). Với mục tiêu giúp họ tái hòa nhập cộng đồng độc lập, bền vững, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Cho đến nay chúng tôi đã hỗ trợ được gần 900 người tạm trú". |