Tóm lược diễn biến phiên xử vụ chuyến bay giải cứu ngày 18-7

(PLO)- Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên đã bật khóc xin nhận án tù thay vì mức án cao nhất; nhiều bị cáo nhận tội, xin lỗi nhân dân...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu bước vào ngày làm việc thứ sáu, HĐXX, VKS đã nghe các luật sư (LS), bị cáo bào chữa.

Nội dung bào chữa của luật sư Phạm Trung Kiên

Với cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên bị VKS đề nghị mức án tử hình.

Bào chữa cho Phạm Trung Kiên, LS Hà Mạnh Huy nói “bất ngờ khi nghe VKS đề nghị mức án tử hình”.

Đội ngũ luật sư tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV
Đội ngũ luật sư tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Theo LS, cần làm rõ rằng hành vi của bị cáo Kiên chỉ xảy ra trong giai đoạn cấp phép chuyến bay có trả phí, chuyến bay khách lẻ, tức là chuyến bay có tính chất lợi nhuận, không phải là các chuyến bay mà Chính phủ giải cứu công dân.

Về tội danh, bị cáo Kiên không phải là người có chức vụ, thẩm quyền tham mưu, đề xuất, thẩm định, trình, duyệt cấp phép chuyến bay. Bị cáo Kiên chỉ là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế, được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Bị cáo Kiên không có văn bản phân công, bổ nhiệm, không có phân công công việc cụ thể, trong tổ chức của Bộ Y tế cũng không có chức danh thư ký thứ trưởng. Khi ông Tuyên được phân công tham gia Tổ công tác năm bộ cũng không có văn bản phân công cho bị cáo Kiên làm gì trong khi giúp việc cho ông Tuyên. Khi chấm dứt công việc giúp việc, bị cáo không có văn bản, quyết định, chỉ nhận được thông báo miệng “không làm nữa”. Suốt quá trình này, bị cáo Kiên vẫn hưởng lương chuyên viên.

LS dẫn chứng thêm, ở Bộ Y tế, việc xử lý các văn bản đến qua nhiều khâu, bị cáo Kiên chỉ nhận văn bản và chuyển đến ông Tuyên. Dự thảo văn bản trả lời bị cáo Kiên không tham gia. Trên thực tế, các văn bản đề nghị cấp phép mà Bộ Ngoại giao chuyển sang, 100% Bộ Y tế đều đồng ý, không có văn bản nào từ chối và trả lời trong thời hạn 3-4 ngày.

Từ đó, LS kết luận bị cáo Kiên không phải là người quyết định việc trả lời văn bản, vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu.

Với lập luận này, LS cho rằng hành vi của bị cáo Kiên không cấu thành tội nhận hối lộ mà chỉ là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định tại Điều 366 BLHS. LS đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho thân chủ của mình.

Lời xin lỗi muộn màng…

Trong phần tự bào chữa ngày 18-7, nhiều bị cáo đã thể hiện sự ăn năn hối cải.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), “xin nhận lỗi với nhân dân, vì nhận thức của bị cáo chưa được đầy đủ về việc nhận quà, bị cáo đã nhận của một số đại diện doanh nghiệp. Mong nhân dân tha thứ lỗi này cho bị cáo”.

Trong khi đó, đứng trước đề nghị tử hình của VKS, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên thừa nhận hành vi của bản thân và “xin lỗi lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân”.

Cũng tại tòa, bị cáo Kiên nói thời điểm dịch bệnh, bị cáo tháp tùng thứ trưởng đi các vùng chống dịch, bị cuốn vào guồng công việc và không nhận thức được hành vi sai trái. Sau này gia đình mới biết hành vi của bị cáo và gia đình tích cực nộp tiền, bị cáo mong khắc phục 100% để được hưởng khoan hồng.

Nói đến đây, Phạm Trung Kiên bật khóc: “Xin HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án tù để có cơ hội trở về ạ…”.

Tự bào chữa sau đó, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nói: “Trong một năm ở trại giam, tôi rất ăn năn, hối lỗi và nhắc gia đình khắc phục các hậu quả”.

Ông Dũng tiếp tục khóc khi nói lời xin lỗi: “Trước HĐXX, tôi xin thành khẩn nhận lỗi, xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, xin lỗi nhân dân vì sai phạm của mình”.

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần nhắc lại lời nhận tội trong nước mắt: “Tôi xin thành khẩn xin lỗi… Tôi xin nhận tội… Kính mong HĐXX xem xét tôi phạm tội lần đầu trong bối cảnh dịch bệnh không có tiền lệ… Cả đời tôi đã phấn đấu… Xem xét để tôi được trở về trong những năm cuối đời. Tôi xin cảm ơn”…

Trước đó, ông Tô Anh Dũng bị VKS đề nghị xử phạt 12-13 năm tù với cáo buộc đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng.

Cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam: “Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai..."

Bị cáo buộc đã nhận hối lộ 5 tỉ đồng trong quá trình ra chủ trương cách ly trên địa phương, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Văn Tân (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 8-9 năm tù.

Tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Tân nói: “Tôi đã nhận thức hành vi của bản thân là hoàn toàn sai, tôi thừa nhận trách nhiệm và đã khắc phục được 3/4 hậu quả”.

Cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. Ảnh: PHI HÙNG

Cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. Ảnh: PHI HÙNG

“Bị cáo nghĩ rằng việc làm của bị cáo hoàn toàn sai, “Trót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây?”” - bị cáo Tân nói.

Cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng trình bày: “Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai rồi. Những lần sau thì chị Hằng nói là tặng sinh nhật, lễ, tết… nên bị cáo nhận”. Bị cáo Tân mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo ngay từ đầu để bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm