Ngày 20-1, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là BCĐ) đã họp phiên thứ 21, kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, chủ trì phiên họp.
Không vì chống dịch mà chùng xuống
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, nhấn mạnh: Trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên BCĐ mới được kiện toàn, bổ sung… nhưng hầu hết các công việc theo chương trình công tác của ban đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.
Nhất là ban đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp thứ 21.
Ảnh: TTXVN
Theo Tổng bí thư, trong năm 2021, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, Tổng bí thư, Trưởng BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cạnh đó, phải xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.
Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện nghiêm chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Tập trung chỉ đạo xử lý vụ Việt Á Tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong năm 2022 tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm một vụ án theo kế hoạch của BCĐ. Nhất là tập trung chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế; các vụ việc, vụ án xảy ra tại Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang… Đặc biệt, năm 2022 phải xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm, gồm: 1. Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương. 2. Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan. 3. Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận. 4. Vụ án “buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…” xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương. 5. Vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng. 6. Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). 7. Vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc (TP Nha Trang, Khánh Hòa). 8. Vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại BV Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị. 9. Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan. 10. Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng. |
................................................................
Tại sao “lò” nóng như vậy mà tham nhũng nghiêm trọng vẫn xảy ra? Chiều 20-1, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tổ chức họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì vào sáng cùng ngày. Tại cuộc họp báo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin về phiên họp. Theo đó, Ban chỉ đạo đánh giá công tác PCTN, tiêu cực trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đáp ứng được các yêu cầu mang tính nguyên tắc, cốt lõi. Số lượng văn bản, quy định được trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành bao quát các vấn đề lớn. Năm 2021 tiếp tục khẳng định nguyên tắc chống tham nhũng, tiêu cực là tập trung, cấp bách. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Số lượng các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý, công bố công khai kết quả cho thấy rõ kết quả ấy. “Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là những năm qua, có những vụ án mà quá trình xử lý tưởng như phải dừng lại nhưng cuối cùng đã được thúc đẩy đến tận cùng bản chất” - ông Học thông tin. “Chẳng hạn như phần đưa, nhận hối lộ trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. Chứng minh tội phạm rất khó nhưng cuối cùng đã đủ chứng cứ để buộc tội. Ra tòa, các bị cáo đã khai nhận thành khẩn. Vụ VN Pharma cũng vậy, ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật ban đầu cũng có ý kiến khác nhau về xử lý đồng chí thứ trưởng Bộ Y tế. Nhưng cuối cùng cũng đi đến khởi tố điều tra” - ông Học nêu. Ban chỉ đạo đã đánh giá nguyên nhân của các kết quả tích cực này là vai trò quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nhân tố quyết định. Về vụ án Việt Á, ông Nguyễn Thái Học cho biết: Ban chỉ đạo cũng đề cập là tại sao “lò” nóng như vậy mà tham nhũng nghiêm trọng vẫn xảy ra? Các ý kiến thảo luận cũng phân tích, đánh giá là đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Như vụ Việt Á, người làm công tác khoa học, người làm công tác quản lý có sự móc ngoặc. Sự việc cho thấy ở đây không còn là tham nhũng đơn lẻ, mà có hiện tượng nhiều lực lượng, nhiều nhóm lợi ích bắt tay với nhau. Theo ông Học, Tổng bí thư yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục khẳng định PCTN, tiêu cực là lâu dài, không ngừng, không nghỉ. Với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực thì từng thành viên phải gương mẫu, không chỉ riêng mình mà cả người thân. Phải vô tư, khách quan, trong sáng thì mới chỉ đạo được. NN |