Liên quan các biển cấm, biển chỉ dẫn giao thông theo Quy chuẩn 41/2016 gây tranh cãi, Bộ GTVT vừa có Công văn 8484/BGTVT-KHCN yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành khẩn trương rà soát hệ thống biển báo trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để lập kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, thay thế nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Quy chuẩn 41/2016.
Tổng cục Đường bộ cũng có văn bản trả lời Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) các mâu thuẫn về định nghĩa ô tô tải, biển hướng dẫn, biển cấm, tín hiệu đèn vàng… theo Quy chuẩn 41 với các văn bản pháp luật khác.
Định nghĩa xe tải 1,5 tấn là thống nhất
Theo Tổng cục Đường bộ, về định nghĩa “ô tô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe ba bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400 kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500 kg” của Quy chuẩn 41 đã có từ năm 1984 và Quy chuẩn 41 chỉ giải thích rõ hơn quy định này. Quy chuẩn 41 là để phục vụ tổ chức giao thông.
Còn Nghị định 95/2009 mà Cục Kiểm tra văn bản nêu phân loại xe tải và ô tô con theo mục đích sử dụng là để điều chỉnh về niên hạn xe.
“Mỗi văn bản quy phạm pháp luật đều có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và khái niệm xe con trong Quy chuẩn 41 là để phục vụ công tác phân luồng, tổ chức giao thông, không áp dụng trong các quy định về thuế, đăng ký, đăng kiểm xe… Mục tiêu, mục đích của Quy chuẩn 41 là tổ chức giao thông thuận lợi nhất…” - ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lý giải.
Cũng theo ông Lăng, thực chất khái niệm về xe con (trong đó có một số xe chở hàng loại nhỏ) đã được định nghĩa xuyên suốt từnăm 1984 và đã được áp dụng vào thực tiễn. Cạnh đó, Quy chuẩn 41/2016 làm rõ hơn về việc xác định loại xe theo giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan đăng kiểm, tránh việc tranh cãi là xe chở hàng hay xe không hàng; nêu rõ là loại ô tô có khối lượng chuyên chở (xác định theo giấy kiểm định)...
“Trong quá trình sửa đổi để ban hành Quy chuẩn 41, Bộ GTVT đã lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị (kể cả các hiệp hội, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Ban An toàn giao thông các địa phương…) và đăng tải rộng rãi đều không có ý kiến về vấn đề này...” - ông Lăng nói.
Các biển cấm này sẽ được thay thế theo Quy chuẩn 41. Ảnh: PV
Mục đích là hạn chế việc cấm xe tải nhỏ
Theo Tổng cục Đường bộ, quy định về xe tải theo trọng lượng là xuất phát từ thực tiễn tổ chức giao thông và hạn chế cấm các loại xe kích cỡ nhỏ chở các mặt hàng nông sản, hàng hóa vào phố (thay cho các loại xe xích lô, xe lam, xe tự chế… mất an toàn giao thông). Tuy nhiên, trong điều kiện đặc biệt ở một số đô thị, mật độ giao thông quá đông, cần thiết phải điều tiết (như cấm taxi, một số loại xe chở hàng nhỏ vào các khung giờ) và Quy chuẩn 41 có quy định về việc này.
“Khi đó thì phải sử dụng biển viết bằng chữ theo quy định tại Điều 46 của Quy chuẩn 41/2016 (chữ trắng trên nền đỏ) và thẩm quyền là do UBND cấp tỉnh quyết định (theo quy định của Điều 37 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB)). Cách khác, tùy theo tình hình cụ thể mà các địa phương tổ chức giao thông vàbố trí biển báo cho phù hợp...” - ông Vũ Ngọc Lăng nói.
Tín hiệu đèn vàng là theo Công ước Viên
Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản đã kiến nghị Bộ GTVT xem lại về tín hiệu đèn vàng của Quy chuẩn 41 vì Luật GTĐB 2008 quy định: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp... Quy định của Quy chuẩn 41 trái với luật…
Về vấn đề này, Tổng cục cho là Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế 1968 (Công ước Viên) về biển báo-tín hiệu đường bộ nên Bộ GTVT đã đưa khái niệm “đã tiến sát đến” của Công ước Viên vào Quy chuẩn 41.
Theo ông Lăng, thực tiễn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do việc lưỡng lự và dừng đột ngột đã bị xe phía sau đâm vào (với xe tải lớn, vùng mùsát xe dễdẫn tới đâm vào các xe dừng đột ngột phía trước). Quy định “đã tiến sát đến” sẽ an toàn hơn cho người tham gia giao thông.
“Các nội dung nêu trên không trái với Luật GTĐB, phù hợp với thực tiễn và Công ước Viên năm 1968 mà nước ta đã cam kết gia nhập theo nghị quyết của Chính phủ...” - ông Lăng nói.
Tiếp tục tranh cãi Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục CSGT, Bộ Công an), đơn vị từng có văn bản chỉ ra nhiều điểm “vênh” của Quy chuẩn 41/2016 so với các văn bản pháp luật hiện hành. “Thực tế ít người am hiểu tường tận luật, thông tư… Họ đọc quy chuẩn thấy nói xe tải phải từ 1,5 tấn trở lên thì đương nhiên sẽ tranh cãi, gây khó khăn cho lực lượng CSGT” - Thượng tá Nhật nói. Về vấn đề đèn vàng, ông cũng cho lànếu áp theo Quy chuẩn 41/2016 “đã tiến sát” thì người tham gia giao thông sẽ vin vào đó để phạm Luật GTĐB. “Cục CSGT đã kiến nghị cần sửa đổi các nội dung của quy chuẩn sao cho thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác, hoặc đề xuất sửa đổi cho phù hợp chứ không thể để mãi thế này được” - Thượng tá Nhật nói. . Một lãnh đạo CSGT Công an TP.HCM cũng cho là còn quá nhiều điểm chưa thống nhất giữa quy chuẩn với luật, nghị định... “Vấn đề là cần sửa đổi, bổ sung các quy định để áp dụng thống nhất với mục đích cuối cùng là tổ chức giao thông tốt nhất, an toàn nhất cho mọi người. Vấn đề này tại hội nghị về giao thông tổ chức ở Tây Nguyên mấy tháng trước đã đặt ra rồi” - ông nói. Hải Phòng tổng rà soát, thay biển giao thông Theo Đại tá Vũ Văn Giới, Trưởng PC67 Công an TP Hải Phòng, cơ quan vừa thống nhất với Sở GTVT về việc điều chỉnh một số biển giao thông không phù hợp với Quy chuẩn 41. Sở GTVT đã trình UBND TP Hải Phòng văn bản sửa nội dung và thay quyết định phân luồng giao thông của địa phương theo hướng thay thế tất cả biển cấm xe tải một tấn trong bốn quận trung tâm của TP Hải Phòng bằng biển cấm bằng chữ (chữ trắng trên nền đỏ) theo Quy chuẩn 41. Sở GTVT cũng sẽ sơn lại các vạch kẻ tim đường màu vàng theo quy chuẩn. |