Tống đạt điện tử là 1 bước tiến lớn

(PLO)- Dự án tống đạt điện tử nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, cho rằng đây là bước tiến lớn, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của tòa án, người dân...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-11, TAND TP.HCM tổ chức tọa đàm cơ sở khoa học pháp lý về tống đạt bằng phương thức điện tử tại TAND TP.HCM.

Nhiều thuận lợi khi tống đạt điện tử

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó chánh án TAND TP.HCM) cho rằng việc triển khai tống đạt theo phương thức điện tử tại TAND TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ của người dân, đương sự, luật sư. Từ ngày 1-6 đến 30-9-2023, TAND TP.HCM đã thực hiện được 460 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này.

Hình 1 TS Nguyễn Văn Tiến.JPG
TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YC

TAND TP.HCM kiến nghị sửa đổi hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn về tống đạt bằng phương tiện điện tử trên cơ sở bổ sung những nội dung mới của Luật Giao dịch điện tử 2023.

Về kết quả tống đạt bằng phương tiện điện tử, nếu tòa án đã tống đạt hợp lệ bằng phương tiện điện tử mà đương sự vắng mặt hai lần thì thẩm phán hoặc HĐXX được thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo tại BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015.

Về tống đạt bằng phương tiện điện tử trong các vụ án hành chính, TS Lê Việt Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng với đặc điểm người bị kiện trong VAHC luôn là cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao quyền quản lý hành chính thì đây là điều kiện thuận lợi để áp dụng tống đạt điện tử. Vì người bị kiện có sự nhận thức tốt về pháp luật và được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ nên việc áp dụng sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Theo TS Sơn, điểm thuận lợi nữa là phần lớn các tài liệu, chứng cứ trong VAHC tồn tại dưới dạng tài liệu giấy nên việc tống đạt bằng phương tiện điện tử dễ thực hiện. Phần lớn các tài liệu, chứng cứ trong VAHC đang được nắm giữ bởi người bị kiện nên nếu các cơ quan Nhà nước chấp hành nghiêm thì các tài liệu chứng cứ này có thể được thu thập một cách đầy đủ, trong một khoảng thời gian ngắn vì thực hiện qua phương tiện điện tử. Từ đó, người khởi kiện dễ dàng tiếp cận được các tài liệu, chứng cứ...

Tuy nhiên, theo TS Sơn, hiệu quả của việc áp dụng hình thức tống đạt bằng phương tiện điện tử trong các VAHC phụ thuộc quá lớn vào người bị kiện. Cạnh đó, sự hiểu biết pháp luật, điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ của người khởi kiện trong VAHC là thách thức lớn đối với phương thức tống đạt điện tử. Nhất là khi đa số các khiếu kiện hành chính là về đất đai, thường trải qua quá trình khiếu nại kéo dài. Do đó, trong nhiều VAHC, người khởi kiện đã lớn tuổi nên việc gửi, nhận đơn kiện, tài liệu chứng cứ hay cấp tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn...

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện đề án này. Theo TS Tiến, việc TAND TP.HCM thực hiện đề án này là giải pháp tốt hữu hiệu. Tuy nhiên, theo TS Tiến, việc tống đạt điện tử thực hiện khi đương sự đồng ý bằng văn bản nhưng sẽ có trường hợp đương sự cho rằng không nhận được văn bản tố tụng, họ nại ra nhiều lý do, nhất là đương sự thua kiện. Tòa lưu đầy đủ thông tin thông qua phần mềm nhưng đương sự thì cho rằng không nhận được, vậy công ty phần mềm cần có giải pháp gì? Cạnh đó, theo TS Tiến cần lưu ý đến vấn đề sự cố mạng, an toàn thông tin của đương sự...

Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hà (Phó Cục trưởng cục THADS TP.HCM) cho rằng việc gửi bản án nếu thực hiện qua phương thức điện tử được sẽ là một bước tiến rất lớn, giúp cho cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án nhanh hơn. Ông Hà kiến nghị có thể chuyển giao bản án thông qua phương thức điện tử như email.

Cạnh đó, theo ông Hà, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa tòa và thi hành án. Ông ví dụ như vụ án Alibaba, bản án rất dày và bản án sơ thẩm có dấu kháng cáo nhưng cơ quan thi hành án không nắm được kháng cáo nội dung gì, trong khi những nội dung không kháng cáo sẽ có hiệu lực và phải thi hành...

Hình 2 Lê Xuân Hải.JPG
Ông Lê Xuân Hải (Phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh:YC

Ông Lê Xuân Hải (Phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cũng hoàn toàn ủng hộ đề án này. Tuy nhiên, theo ông Hải để thực hiện tốt thì cần sự phối hợp giữa các cơ quan như có thể ban hành các thông tư liên tịch. Cạnh đó, theo ông Hải, cần xem xét tính căn cứ và tính hợp pháp khi thực hiện việc tống đạt này để tránh các khiếu nại về sau.

Hình 3 ông Bùi Đức Xuân.JPG
Ông Bùi Đức Xuân (Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YC

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Giang (Vụ pháp chế, TAND Tối cao) ủng hộ và đánh giá cao đề án này của TAND, tuy nhiên cần xem xét để phù hợp với các văn bản pháp luật như Luật Giao dịch điện tử 2023... cũng như cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan.

Trả hơn 2 tỷ đồng cho chi phí tống đạt qua bưu điện

Ông Bùi Đức Xuân (Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng phương thức tống đạt điện tử đã được quy định từ lâu nhưng thực tế việc thực hiện không nhiều, nhiều tòa án địa phương vẫn chưa áp dụng và ngay cả TAND Cấp cao vẫn chưa thực hiện. Theo ông Xuân, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để việc thực hiện được thống nhất.

Cũng theo ông Xuân, việc tống đạt tại TAND Cấp cao được thực hiện qua bưu điện với chi phí rất cao, như năm 2023 TAND Cấp cao tại TP.HCM phải chi trả hơn 2,1 tỷ đồng cho chi phí tống đạt qua bưu điện. Trong khi đó, việc tống đạt qua bưu điện hay trực tiếp thường gặp nhiều khó khăn như địa chỉ không chính xác, đương sự từ chối...

Theo ông Xuân, việc tống đạt điện tử lợi cho cả nhà nước và cả người dân. Tuy nhiên, để thực hiện tốt thì cần phối hợp không chỉ giữa tòa án và đương sự mà cả các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm