Theo Hãng tin NBC, trước đó nguồn tin từ chính Nhà Trắng tiết lộ ưu tiên hàng đầu của kế hoạch cải tổ NSA là ngăn chặn những “Edward Snowden tương lai”. Theo đó, NSA sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhân viên của NSA và các nhà thầu có quyền tiếp cận với tài liệu nhạy cảm để phát hiện sớm bất kỳ động thái khả nghi nào. NSA cũng sẽ hạn chế số lượng nhân viên có quyền tiếp cận với các tài liệu tối mật.
Mục tiêu là ngăn chặn một vụ lộ mật mới. Khi làm việc tại một căn cứ của NSA ở Haiwaii, Snowden - nhân viên của nhà thầu Booz Allen Hamilton - đã thu thập hơn 1 triệu tài liệu về các chương trình do thám tối mật của NSA và gửi cho các tờ báo lớn trên thế giới. Vụ lộ mật này đã khiến quan hệ của Mỹ với nhiều nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Báo Washington Post đưa tin một số quan chức Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ bác bỏ đề xuất cải tổ toàn diện NSA mà ủy ban các chuyên gia do chính ông bổ nhiệm đưa ra. Ông Obama sẽ bác bỏ yêu cầu tách NSA ra khỏi Bộ chỉ huy chiến tranh mạng Mỹ (USCYBERCOM). Hiện NSA và USCYBERCOM đều nằm dưới quyền điều hành của tướng Keith Alexander. Những người chỉ trích cho rằng cơ cấu này dẫn tới sự tích tụ quyền lực và hạn chế sự giám sát cần thiết. Ông Obama cũng bác bỏ đề xuất chuyển bộ phận phòng thủ trên mạng của NSA sang Bộ Quốc phòng.
Một quan chức tình báo cấp cao giấu tên cho biết ông Obama sẽ dừng chương trình thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại. Tuy nhiên báo Huffington Post dẫn lời một số nhà quan sát nhận định kể cả nếu ông Obama muốn cải tổ mạnh mẽ NSA thì Quốc hội vẫn sẽ là cơ quan ra quyết định cuối cùng. Mà hiện Quốc hội Mỹ đang rất chia rẽ về chương trình do thám của NSA. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã khẳng định ông Obama phải thấy rằng chương trình do thám của NSA “bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ”.
Trong khi nước Mỹ còn đang tranh cãi về hoạt động của NSA, báo chí quốc tế tiếp tục lật tẩy những chương trình do thám bí mật của cơ quan này dựa trên tài liệu do Snowden cung cấp. Mới đây báo Anh Guardian và kênh truyền hình Channel 4 đưa tin NSA thu thập gần 200 triệu tin nhắn điện thoại trên toàn thế giới mỗi ngày. Từ đó, NSA lần ra các thông tin như địa điểm của người gửi tin nhắn, các mối quan hệ, thông tin thẻ tín dụng...
Từ tin nhắn điện thoại, tính ra mỗi ngày NSA thu thập được các thông tin như hơn 1,6 triệu lượt xuất cảnh, hơn 110.000 cái tên, hơn 800.000 giao dịch tài chính... Các tài liệu cho thấy Cơ quan tình báo Anh GCHQ cũng sử dụng dữ liệu do NSA thu thập.
Theo SƠN HÀ (TT)