Sáng 14-3, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM thực hiện khảo sát về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn TP Thủ Đức.
Công tác quản lý vẫn còn nhiều nhiều bất cập
Báo cáo về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn, Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó Trưởng Công an TP Thủ Đức cho biết đơn vị đã thu giữ hơn 43.000 phương tiện, trong đó bán đấu giá số phương tiện có quyết định tịch thu để thu về ngân sách hơn 3,1 tỷ đồng.
“Không có cán bộ nào vi phạm trong thực hiện công tác xử lý VPHC, không xảy ra mất mát, hư hỏng dẫn đến việc cá nhân, tổ chức khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình tạm giữ và tịch thu phương tiện VPHC, việc thanh lý, bán đấu giá số phương tiện VPHC có quyết định tịch thu được thực hiện theo đúng quy định pháp luật…” - Thượng tá Tiên nói.
Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế TP.HCM dẫn đầu đoàn khảo sát tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại bãi tạm giữ của Đội CSGT-TT. Ảnh: VÕ THƠ |
Tuy nhiên, ông Tiên cũng nhìn nhận trong công tác quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn do số phương tiện tạm giữ VPHC quá tải, tồn đọng tại các kho.
Một phần là do số lượng phương tiện VPHC bị tạm giữ tăng cao, một phần số lượng cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác xử lý còn ít và chủ phương tiện không lên giải quyết…
“Khi tạm giữ phương tiện VPHC nhưng có nhiều trường hợp số tiền phạt cao hơn giá trị của phương tiện nên người vi phạm, chủ phương tiện không đến thực hiện đóng phạt cũng như không đến giải quyết gây nên tình trạng việc tạm giữ phương tiện quá hạn, quá tải” - ông Tiên cho biết.
Các phương tiện vi phạm hành chính được tập trung tại bãi đất trống ngoài trời dễ bị xuống cấp hư hỏng. Ảnh: VÕ THƠ |
Bên cạnh đó, trong công tác xử lý phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ, tịch thu, khó khăn nhất là việc xác định chủ sở hữu và người sử dụng hợp pháp phương tiện VPHC. Thời hạn ra quyết định tịch thu phương tiện VPHC ngắn trong khi hiệu lực xử lý là một năm.
Ngoài ra, nơi tạm giữ phương tiện VPHC có hạn, mà việc tồn đọng thì lớn ảnh hưởng công tác tạm giữ. Hiện nay, Công an TP Thủ Đức vẫn chưa được bố trí kho, bãi tập trung mà phải mượn các vị trí khu đất trống cải tạo, sửa chữa để làm kho bãi tạm giữ phương tiện VPHC.
Công an TP Thủ Đức có 7 kho tạm giữ tang vật với tổng diện tích 7.910m2 và tận dụng 4 trụ sở làm việc khác để tạm giữ tang vật các loại còn Đội quản lý thị trường số 9 (phụ trách TP Thủ Đức) cũng chỉ có 3 kho bố trí chung với trụ sở làm việc, với tổng diện tích chỉ 140m2.
Cần cải thiện kho, bãi tạm giữ
Thượng tá Tân Xuân Tiên cho biết công tác bảo quản phương tiện VPHC tại kho, bãi do Công An TP Thủ Đức quản lý không có quy định thu lệ phí trông giữ dẫn đến không có nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo sửa chữa xây dựng kho bãi, vì vậy một số phương tiện quá thời hạn tạm giữ được tạm giữ bảo quản ngoài trời dẫn đến phương tiện bị hư hỏng, xuống cấp.
Các phương tiện vi phạm hành chính sau thời gian dài không có người nhận bị hư hỏng nặng. Ảnh: VÕ THƠ |
Ông Tiên đề xuất việc bố trí các kho tang vật phục vụ công tác quản lý bảo quản tang vật phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu cần đầu tư xây dựng những kho bãi theo tiêu chuẩn đảm bảo về an toàn PCCC.
“Cần có nguồn kinh phí để sửa chữa, cải tạo các kho, bãi và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ nhằm bảo quản, hạn chế hư hỏng, xuống cấp khi tạm giữ thời gian dài” - Thượng tá đề xuất.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 9, cho biết các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý.
Tổng số tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ và còn tồn kho là 8047 đơn vị sản phẩm của 31 khu vực. Tuy nhiên các tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu qua quá trình lưu giữ, bảo quản dễ bị tác động của các nguyên nhân khách quan gây ảnh hưởng đến giá trị.
“Các kho tang vật của đơn vị đều tận dụng từ các phòng làm việc che chắn từ các khoảng không gian giữa hàng rào và bờ tường bên ngoài của trụ sở nên không đáp ứng các điều kiện của nơi tạm giữ tang vật” - ông Minh cho biết.
Ông Minh đề xuất đối với các lô tang vật số lượng ít, giá trị nhỏ người mua không quan tâm, những lô tang vật trị giá thấp dưới 50 triệu đồng nên phát mãi theo thủ tục đơn giản hoặc buộc người vi phạm tiêu hủy tang vật vi phạm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một kho chuyên dụng chung cho nhiều cơ quan đơn vị để quản lý, bảo quản các tang vật là chất, hàng nguy hiểm về phòng chống cháy nổ, phòng độc, chống phóng xạ, phòng ngừa sự cố môi trường.
Tại buổi giám sát, bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, đánh giá cao công tác chuẩn bị, rà soát những vấn đề còn tồn tại vướng mắc trong công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn TP Thủ Đức.
Bà cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên một phần do những bất cập về quy định; trong công tác phối hợp giữa địa phương; có những nội dung trao đổi với sở ngành chưa được nhanh, chặt chẽ…
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí thực trong việc tạm giữ phương tiện VPHC trước đây có thực hiện nhưng hiện không duy trì cũng gây ra những hạn chế, khó khăn, bà cũng đề nghị Sở Tài chính theo dõi tổng hợp vấn đề này để báo cáo, đề xuất trong thời gian tới.
Khi nhập ba quận thành TP Thủ Đức cùng việc luân chuyển cán bộ cũng ảnh hưởng không ít, số lượng cán bộ ít, khối lượng công việc nhiều có những cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu… Bà hy vọng trong thời gian tới, các cán bộ sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, thực hiện đầy đủ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là rà soát trong công tác PCCC.