Khi được hỏi “Làm lãnh đạo, anh/chị tham gia tổng cộng bao nhiêu ban chỉ đạo (BCĐ)” thì đa số chủ tịch, phó chủ tịch quận, phường ở TP.HCM đều cho biết “Không thể nhớ hết”.
Không nhớ nổi mình ngồi bao nhiêu ban
Một chủ tịch phường trên địa bàn quận Thủ Đức cho hay cả quận và phường có quá nhiều ban bệ. Riêng BCĐ triển khai công tác này, công tác khác nhiều đến mức không tài nào kể hết. Ông thừa nhận cá nhân không thể nhớ hết mình làm trưởng ban của bao nhiêu BCĐ và là thành viên của bao nhiêu ban. Khi PV hỏi phải mất một lúc sau cộng với sự hỗ trợ của cán bộ, ông mới kể được gần 20 ban: Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, giảm nghèo bền vững, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Chưa kể, theo vị chủ tịch phường này, hiện có nhiều BCĐ chồng chéo nhau trong mảng hoạt động, như BCĐ toàn dân xây dựng đời sống văn hóa lại là ban lớn gồm nhiều nội dung, bao gồm cả các ban khác như vệ sinh môi trường, an toàn thực thẩm, an ninh trật tự…
Một phó chủ tịch phường trên địa bàn quận 1 cho biết ông làm trưởng ban của 16 BCĐ, chưa kể là thành viên của nhiều ban khác. “Nhiệm vụ của các BCĐ thường cũng chính là nhiệm vụ thường xuyên, chức năng của UBND. Vì vậy cho dù không thành lập ban thì cũng phải làm” - vị phó chủ tịch phường này nói và cho rằng tình trạng quá nhiều ban bệ là không cần thiết, làm rầy rà thêm công việc chuyên môn. Chưa kể lắm ban bệ nhưng không khả thi, lại lãng phí thời gian họp, tốn kém ngân sách, thậm chí khi thành lập ban, người trưởng ban cũng nhận trợ cấp là không cần thiết.
Ông nhận định các BCĐ mà cần sự gắn bó giữa các ngành như công an với chính quyền thì nên để tồn tại để phát huy vai trò của hai bên. Chẳng hạn như BCĐ thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 để xử lý các tệ nạn ma túy, mại dâm, người lang thang… vừa qua trên địa bàn phường đã phát huy được hiệu quả, hoạt động thường xuyên cả ngày lẫn đêm và phát huy thế mạnh của công an phường. Còn những BCĐ không cần thiết thì đúng là nên dẹp bớt.
Làm hết trách nhiệm thì sẽ giảm BCĐ
Theo ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, việc thành lập BCĐ là để thực hiện một chương trình, một chủ trương kế hoạch nào đó. Có những công việc có mục tiêu, nội dung, thời gian cụ thể mà cần sự phối hợp hết sức cụ thể (nhất là những vụ phức tạp, cần sự phối hợp, ràng buộc trách nhiệm) thì thành lập BCĐ. Từ đó sự phối hợp được liên tục, thực hiện đúng công việc hơn.
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng khi nhiều BCĐ quá sẽ dẫn đến tình trạng những người được cơ cấu vào BCĐ có khi chỉ là cho có, không đủ kinh nghiệm để thực hiện; dẫn đến các cuộc họp không đạt hiệu quả. Vì thế, “việc chọn nội dung nào, thành viên nào để thành lập BCĐ sẽ quyết định sự thành công của BCĐ” - ông Hà nói.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng phân tích, có những nội dung chỉ cần các cơ quan chức năng làm đúng chức năng nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của mình sẽ không nhất thiết phải thành lập các BCĐ đó. “Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm của mình thì không cần nhiều BCĐ như hiện nay, chỉ có cách đó mới giảm được BCĐ” - ông Hà cho hay.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng góp ý việc tinh giản BCĐ từ TP đến địa phương phải được rà soát kỹ, không thể nói lập tức bỏ hay lập tức sáp nhập hết. Có những BCĐ đã tồn tại rất lâu, là những chương trình lộ trình dài mà phát huy hiệu quả thì phải duy trì, cho tổng kết để nâng cao hoạt động. Còn những trường hợp từ lúc thành lập ra hay mới thành lập đây có sự chồng lấn, chồng chéo chưa phát huy tác dụng thì kiểm tra lại. Từ đó mới có thể gom, sáp nhập các BCĐ hoặc thay thế bằng hình thức khác.
Tinh giản, không thành lập thêm
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP.HCM, khẳng định việc kiến nghị xóa bỏ bớt, tinh giản các BCĐ là nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của bộ máy hành chính… Hiện Sở Nội vụ đang tổng hợp danh sách phân tích, đánh giá để báo cáo, đề xuất UBND TP.
Theo ông Lê Hoài Trung, nguyên nhân hình thành các BCĐ xuất phát từ thời điểm trước đây, khi muốn thực hiện việc gì có liên quan các sở, ngành cũng thành lập BCĐ. Đáng nói là có nhiều ban thành lập xong không hoạt động gì, bây giờ nhiều nơi còn muốn thành lập thêm.
Vừa qua, khi Sở Nội vụ có thống kê sơ bộ thì TP có khoảng 200 BCĐ (trong đó bao gồm cả tổ công tác, hội đồng…). Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều ban hoạt động không hiệu quả, có ban thành lập ra rồi không hoạt động. Trong đó có tình trạng một BCĐ đến vài chục người, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc.
Lý giải về việc phải thành lập nhiều BCĐ, ông Trung cho rằng do các sở/ngành, quận/huyện làm việc chưa phát huy hết trách nhiệm, chức năng của mình. Chưa kể có việc thành lập ra BCĐ để đẩy trách nhiệm cho tập thể, né trách nhiệm cá nhân.
Theo ông Trung, hiện nay TP.HCM đang áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông, liên thông bằng văn bản, chữ ký điện tử trong tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Từ đây xác định được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định nên không cần thiết phải thành lập thêm tổ chức nào.
Ban chỉ đạo không làm thay chính quyền Về nguyên lý chung, khi người ta muốn thành lập ra BCĐ thì phải có nhu cầu đặc biệt, như cần thực hiện một dự án, công trình, đề án lớn có tính chất là tạm thời hoặc một chương trình yêu cầu phải có sự phối hợp nhiều thành phần, nhiều cấp để đạt hiệu quả… mới gọi là BCĐ. Khi nào dự án, chương trình kết thúc thì dừng BCĐ. Còn những việc vốn dĩ là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền, phòng, ban, tổ chức dân sự làm hằng ngày thì thôi không cần thành lập BCĐ. Ở đây, BCĐ không mang tính chất mãi mãi. Mới đây, Trung ương đã thống nhất sẽ kết thúc hoạt động của các BCĐ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là đúng vì nó cồng kềnh và không giải quyết được gì. Bởi trên chính quyền cấp tỉnh là trung ương rồi thì không cần cấp trung gian nữa. Muốn xóa bỏ, tinh giản BCĐ thì có thể mang tất cả BCĐ áp vào “định nghĩa” trên. Theo đó sẽ xóa bỏ được những BCĐ mang tính chất làm thay chính quyền trong khi những việc đó phải để chính quyền làm. Như thế chắc chắn sẽ bỏ được nhiều BCĐ làm thay chính quyền, chồng chéo với nhiệm vụ, yêu cầu của một chính quyền. PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH,Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng |