Mức phạt thấp, TP.HCM không thể quản lý đô thị tốt

Ngày 30-11, phát biểu kết luận tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội của TP thời gian qua và nhiệm vụ trong tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng chỉ còn một tháng nữa là hết năm 2017 nên với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì đến cuối năm sẽ khó đạt theo chỉ tiêu đề ra.

Lo tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu

“Nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng ở các khu vực đều tăng cao so với cùng kỳ nhưng vì sao tốc độ tăng trưởng chúng ta không đạt được 8,4%-8,7% như mục tiêu ban đầu đề ra? Có hai khả năng, một là khi chúng ta dự báo, tính toán để trình Thành ủy và HĐND chưa sát với tình hình, hai là ở một số lĩnh vực vẫn còn dư địa phát triển trong những tháng cuối năm” - ông Phong nói.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2018 TP.HCM sẽ tập trung triển khai đề án đô thị thông minh, trước hết sẽ tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành, trung tâm an ninh mạng, trung tâm mô phỏng dự án và một số dự án hợp phần.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ và Sở KH&ĐT phối hợp tham mưu để UBND TP lập tổ công tác liên ngành đầu tư trên địa bàn TP.HCM nhằm tạo điều kiện, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư. Trong năm 2018, TP.HCM sẽ chính thức đưa tổ này vào hoạt động.

Ông Phong cho biết hiện nay, khi nhà đầu tư nộp đơn đề nghị thực hiện dự án nào đó thì các sở, ngành của TP chỉ họ qua chỗ này, đến chỗ kia. Nhà đầu tư phải xách hồ sơ chạy lòng vòng rất lâu và không biết hạn định cụ thể về thời hạn giải quyết. Do đó TP.HCM cũng sẽ quy định rõ quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị thực hiện dự án của các nhà đầu tư nhằm tạo sự công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Người phát ngôn của UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng với mức phạt thấp thì không thể nào quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: TL

Tăng thuế, phí là vì lợi ích lâu dài

Tại cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, ông Võ Văn Hoan, người phát ngôn UBND TP.HCM, đã chia sẻ với báo chí về cơ chế đặc thù mà Quốc hội (QH) vừa cho phép TP.HCM được thí điểm. Theo ông Hoan, cơ chế đặc thù xuất phát từ thực tế của một đô thị đặc biệt. Muốn quản lý các mặt về kinh tế-xã hội, trật tự đô thị, môi trường... thì TP.HCM không thể nào vận dụng theo các quy định về phí, lệ phí hiện nay được. “Ở các tỉnh, mức thu và mức xử phạt như hiện nay có thể chấp nhận được nhưng đối với TP.HCM không có tác dụng để răn đe và phòng ngừa, với mức phạt thấp thì không thể nào quản lý đô thị tốt hơn” - ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, ở trong đô thị có những vấn đề vi phạm pháp luật phát sinh mà chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí. Do đó QH mới ra nghị quyết cho phép TP.HCM được thí điểm cơ chế đặc thù. Ông Hoan cũng cho rằng trong đô thị phải hạn chế được những vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe như hút thuốc lá và uống rượu bia. “Nếu không có các loại thuế áp đặt vào TP.HCM thì trật tự giao thông, trật tự xã hội, an ninh và sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, tác động xấu. Do đó phải có điều chỉnh hành vi. Chắc chắn việc tăng phí, lệ phí, bổ sung thuế sẽ có ảnh hưởng đến số đông. Nhưng tôi tin ảnh hưởng trước mắt nhưng cái được là lâu dài. Nhìn toàn cục chúng ta được một đô thị ngăn nắp, trật tự, mọi người sống chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, tôn trọng lẫn nhau. Chất lượng cuộc sống ở chỗ đó” - ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng cho biết trong hội nghị Thành ủy khai mạc sáng nay (1-12), Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ra nghị quyết về thực hiện Nghị quyết 54 của QH cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù. Dự kiến tháng 6-2018, những việc thuộc thẩm quyền của TP phải ban hành xong. Đến cuối năm 2018, những việc thuộc thẩm quyền trung ương, TP sẽ phối hợp để làm sao ra được các quyết sách.

Địa ốc Alibaba có dấu hiệu vi phạm hình sự

Trả lời báo chí liên quan đến Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn khẳng định: Việc công ty này tự nhận là chủ đầu tư tại dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi để huy động vốn của khách hàng là không đúng quy định của pháp luật. “Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) cho biết Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có dấu hiệu vi phạm hình sự. Sở Xây dựng đang phối hợp làm rõ, nếu đủ điều kiện cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can” - ông Tuấn nói và cho biết công ty này đã vi phạm hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).

Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba không cung cấp hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác theo Luật Đất đai. Mặt khác, không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về BĐS theo Luật Kinh doanh BĐS. Đối với hành vi trên bị xử phạt 50-60 triệu đồng. Biện pháp khắc phục là buộc cung cấp thông tin đầy đủ hoặc cải chính thông tin không chính xác, hoặc buộc gửi danh sách đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, công ty này thực hiện nhận tiền giữ chỗ thông qua phiếu giữ chỗ vi phạm các quy định về kinh doanh BĐS. Đối với hành vi này xử phạt 60-70 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh BĐS không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định. Xử phạt 100-150 triệu đồng với hành vi huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước trong đầu tư xây dựng đối với dự án phát triển nhà ở, dự án kinh doanh BĐS. Biện pháp khắc phục là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Theo ông Tuấn, việc xác định hành vi vi phạm nói trên để xử lý vi phạm cần phải phối hợp thu thập đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc đặt chỗ của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, tiếp xúc làm việc với các cá nhân liên quan nhằm xác định hành vi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm để có cơ sở xử lý. Nhưng đến nay đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba không hợp tác, không cung cấp hồ sơ và không tham gia bất kỳ buổi làm việc nào của Sở Xây dựng.

Từ đó Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao Sở tiếp tục phối hợp với PC46 Công an TP.HCM và C46 Bộ Công an vào cuộc để có hướng xử lý đối với Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của công ty này, đề xuất biện pháp xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm