Ngày 9-12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường. Tình trạng kẹt xe, ngập nước tiếp tục làm nóng nghị trường.
Chống ngập đã năm nhiệm kỳ…
Hòa thượng Thích Thiện Tánh cho hay ông tham gia HĐND đã năm nhiệm kỳ thì từ nhiệm kỳ đầu đến nay vẫn bàn mãi chuyện chống ngập. Lúc trước ngập nước chỉ giao cho một cơ quan thì nay tới năm cơ quan cùng làm nhưng vẫn không hết ngập.
Đại biểu (ĐB) Lâm Thiếu Quân đặt vấn đề: “Trong gần 20 năm qua, thủy triều tăng 30 cm, các biện pháp chống ngập chưa thấy được hiệu quả. Trong 10 năm nữa, lúc đó mực nước sẽ tăng thêm 10 cm thì TP phải giải quyết như thế nào. Quy hoạch vẫn đẩy mạnh phát triển quận 2, quận 7 là các vùng thấp mà trong tương lai các vùng này ảnh hưởng ngập sẽ trầm trọng hơn” - ông Quân băn khoăn.
Ông Quân cho biết việc tổ chức giải quyết chống ngập hiện nay được phụ trách bởi nhiều đơn vị nhưng thiếu kết nối. “Như đường Phạm Văn Đồng, khi tôi hỏi cơ quan có liên quan tại sao lại xảy ra tình trạng hẻm thành sông thì được trả lời rằng họ chỉ triển khai thoát nước ngập của đường Phạm Văn Đồng, chứ không triển khai liên kết với hệ thống thoát nước của khu dân cư” - ông Quân đề nghị TP.HCM cần có nhạc trưởng để phối hợp chống ngập.
Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho hay lãnh đạoTP trong suốt thời gian qua đã tập trung chỉ đạo cho các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp chống ngập. TP cũng đã kết hợp với các bộ, ngành trung ương để nghiên cứu, thậm chí tổ chức các hội thảo quốc tế mời các chuyên gia giỏi của nhiều nước để TP trao đổi kinh nghiệm về chống ngập, tìm ra những nguyên nhân.
Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho hiệu quả chống ngập. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như địa hình, biến đổi khí hậu và tốc độ gia tăng dân số tác động trực tiếp đến vấn đề thoát nước của TP, ông Tín cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan, trực tiếp là công tác quản lý. “Rõ ràng chúng ta nhận thức được vấn đề này gần 10 năm rồi. Chúng ta cũng đã lập kế hoạch có quy hoạch để tổ chức triển khai thực hiện nhưng việc tổ chức thực hiện rất chậm. Điều này có phần chúng ta chưa đủ nguồn lực thực hiện, có phần trong quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt” - ông Tín nói.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường giải trình trước các thắc mắc của đại biểu HĐND TP.HCM về vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn sáng 9-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không di chuyển 30 phút mới gọi là kẹt xe?
Theo nhận định của các đại biểu, ùn tắc giao thông thời gian qua trên địa bàn TP.HCM đã bột phát trở lại một cách nghiêm trọng, cần phải có giải pháp căn cơ.
ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng những định nghĩa về kẹt xe - các phương tiện tham gia giao thông không di chuyển trên 30 phút là không phù hợp, đó là đậu xe chứ không phải kẹt xe nữa.
Theo ông Quân, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến kẹt xe là công tác quy hoạch không khoa học. “Đường Phổ Quang đang kẹt như thế sao lại có nhiều dự án cao ốc văn phòng, chung cư đang được xây dựng; đường Âu Cơ cũng chung tình trạng đó. Hỏi Sở GTVT TP, sở này nói cái này của bên quy hoạch, còn quy hoạch nói cái này tuân theo quy luật thị trường. Nếu tình trạng giao thông trầm trọng hơn thì dân hỏi đại biểu, đại biểu biết hỏi ai” - ông Quân băn khoăn.
Cũng giống như ngập nước, ông Quân cho rằng ngành giao thông hiện nay đang phối hợp nhiều sở-ban-ngành xử lý ùn tắc nhưng vẫn cần một nhạc trưởng.
Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường thừa nhận ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm 2015. Một trong các nguyên nhân là do lượng xe đăng ký mới trên địa bàn TP tăng cao, nhất là ô tô. Theo ông Cường, tính đến ngày 15-11 TP có khoảng 7,4 triệu phương tiện, tăng 1,5 lần so với năm 2010 (4,9 triệu). Bên cạnh đó là sự quá tải của cảng hàng không Tân Sơn Nhất, hiện đã đón hành khách thứ 25 triệu, vượt năm năm so với quy hoạch.
Thế nhưng dự án ba tuyến tàu điện, đường trên cao; dự án đường Trường Sơn mở rộng vẫn chưa hoàn thành… tạo áp lực lớn lên các dự án giao thông đường bộ.
Nhận trách nhiệm chính trong việc xử lý ùn tắc, ông Cường cho biết trong thời gian tới sẽ tính toán lại để có một nhạc trưởng đủ mạnh để điều phối vì có nhiều việc nằm ngoài thẩm quyền của Sở.
Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng sở dĩ vấn đề kẹt xe, ngập nước đã bàn nhiều năm nhưng chưa đạt được yêu cầu như mong muốn và chưa giải quyết được những bức xúc là vì thiếu tính đồng bộ trong công tác đầu tư các dự án. “Như ngập nước, đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng nhưng rõ ràng những công trình kết nối và tính hiệu quả của nó cũng chưa phải như mình mong muốn” - bà Tâm nói.
Hôm nay (ngày 10-12), kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII sẽ tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
“Tham nhũng đang trốn ở đâu?” Liên quan đến vấn đề tham nhũng, ĐB Trần Văn Thiện cho rằng hiện nay tệ nạn này ngày càng phát triển tinh vi và trầm trọng, cản trở sự phát triển. Ông Thiện cho rằng người dân TP trông mong xuất hiện một vị tướng có đủ đức, tài trí, tâm, bản lĩnh, đặc biệt là dũng khí để lãnh đạo cuộc chống quốc nạn tham nhũng hiệu quả. ĐB Thiện cũng đặt thêm câu hỏi tại sao trong suốt nhiệm kỳ của HĐND TP, vấn đề tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận tại nghị trường và trong thời gian tới, TP có giải pháp gì đột phá trong chống tham nhũng. “Tình trạng tham nhũng thực sự ở TP.HCM như thế nào? Tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy?” - ông Thiện hỏi. Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga khẳng định tham nhũng trên địa bàn TP ở một số ngành, lĩnh vực diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân nổi lên là do một số nơi chưa tập trung giải quyết các đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng và chưa chủ động kiểm tra và thanh tra tham nhũng trong phạm vi của mình. “Việc tặng quà, nhận quà vẫn ngấm ngầm diễn ra và khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào vi phạm, công tác giám sát hành vi này vẫn còn khó khăn” - bà Nga lý giải. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho hay: “Chín tháng đầu năm 2015, qua công tác thanh tra, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP.HCM. Qua kiểm tra xử lý nội bộ cũng không phát hiện trường hợp nào tham nhũng”. Mặc dù ngành đã tiến hành 176 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế với 80/341 đơn vị sai phạm hơn 80 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 31 tỉ đồng và ba căn nhà. Riêng về điều tra, truy tố, xét xử có liên quan đến tham nhũng trong năm nay, bà Nga cho biết chủ yếu là những vụ việc tồn đọng từ những năm trước. Hiện có bốn vụ việc đang trong tầm giám sát, theo dõi chờ kết luận của cơ quan điều tra. |