TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn để bứt tốc

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn và thoát khỏi cơ chế  xin-cho trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Sáng 30-3, Đoàn ĐBQH TP.HCM phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

TP.HCM nghe chuyên gia góp ý cho dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: THANH TUYỀN

TS Trần Du Lịch chia sẻ, để có được bản dự thảo nghị quyết hiện tại, lãnh đạo TP.HCM đã có sự đeo bám quyết liệt đối với các bộ, ngành Trung ương. Sau khi tổng kết Nghị quyết 54, nhóm chuẩn bị cho bản nghị quyết mới đặt ra yêu cầu về việc hình thành những chính sách tạo động lực.

Về bản chất, bản nghị quyết mới sẽ tập trung vào hai nhóm nội dung là cơ chế tập trung phân cấp, phân quyền và tạo động lực, huy động nguồn lực ngân sách, nhà đầu tư, đội ngũ khoa học kỹ thuật.

TS Trần Du Lịch chia sẻ ở góc độ cùng chính quyền TP xây dựng dự thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Dự thảo Nghị quyết lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề căn cơ mà TP đang gặp phải, giúp TP bứt tốc để thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt của mình.

Ông Phan Thanh Bình, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, TP.HCM có tiềm năng, lợi thế, thuận lợi để phát triển. Vấn đề là phải tạo ra một nghị quyết để giải quyết kỳ vọng, ước mơ của TP.HCM.

TP.HCM đã nêu rõ những khó khăn và đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng tư duy xưa nay chỉ dừng lại ở việc hệ thống pháp luật vướng gì, địa phương sẽ xin cơ chế "lách luật" để vượt qua chứ chưa thực sự đưa ra được những cơ chế vượt trội, đột phá. TP cần hướng tới xây dựng cơ chế mang tính vượt trội thực sự.

PGS.TS Võ Trí Hảo - Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định cho rằng, việc soạn thảo dự thảo cần rõ ràng, cụ thể để không mất thời gian đi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan thì thực hiện các cơ chế.

“Thà xin một lần chứ đừng xin 25 lần”- ông Hảo nói và đề nghị cần soạn thảo theo hướng quy định chi tiết cơ chế về phân cấp, phân quyền cho TP, thay vì cơ chế xin- cho.

PGS.TS Võ Trí Hảo nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: THANH TUYỀN

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, tinh thần bao trùm của nghị quyết này phải là “trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn”.

“Để làm điều này, lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, các sở, ngành cũng phải nâng cao năng lực phụng sự”- GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, dự thảo nghị quyết có trao quyền nhưng còn ràng buộc bằng các nghị định, phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng quyết định. Nếu theo cơ chế cũ, thì sau 5 năm tổng kết, con số đạt được về tài chính cũng không có tính vượt trội.

Ông cho rằng, dự thảo cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của TP sẽ rất khó tạo đột phá.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài khẳng định, TP.HCM đủ tiềm năng, nguồn lực để thực hiện các thử nghiệm. Vì vậy cần trao quyền nhiều hơn để giúp TP.HCM tìm ra các nhân tố để phát triển tương xứng với vị thế và kỳ vọng.

Ông Trần Nhật Khanh góp ý ở góc độ nhà đầu tư. Ảnh: THANH TUYỀN

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Nhật Khanh, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ đầu tư Touchstone cho rằng, TP muốn thí điểm thử nghiệm chính sách cũng phải rõ ràng, không chồng chéo. Ông nêu thực tế phải thuê rất nhiều luật sư để tư vấn luật khi muốn đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài mất rất nhiều thời gian khi xin giấy phép đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy, ông Khanh đề xuất cần rút gọn các thủ tục liên quan đến cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư mạnh hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới