TP.HCM có hơn 7,6 triệu xe máy, tạo ra áp lực giao thông thế nào?

(PLO)- Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Chiều 22-8, HĐND TP.HCM phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, trường Đại học GTVT tổ chức Hội thảo "Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM".

phương tiện giao thông
Toàn cảnh hội thảo.

TP.HCM hiện có 10 triệu phương tiện giao thông

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, với quy mô dân số hiện nay khoảng hơn 9,4 triệu người.

Chính vì vậy, các hoạt động kinh tế - xã hội luôn diễn ra rất sôi nổi. Từ đó dẫn đến nhu cầu giao thông tại TP.HCM gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị. Tỷ lệ sở hữu phương tiện giao thông cá nhân cao dẫn đến tốc độ di chuyển của dòng giao thông giảm, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, tai nạn, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

phuong-tien-giao-thong-2.jpg
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Theo đó, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đã đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải là phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030.

Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào TP. Mỗi năm TP phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon/năm, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

phuong-tien-giao-thong-4.jpg
Ông Phạm Thành Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Ông Phạm Thành Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ, TP.HCM với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của cả nước, các vấn đề gia tăng dân số, phát triển đô thị, khu đô thị, ô nhiễm môi trường đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng hệ thống giao thông.

Một hệ thống giao thông xanh, hiệu quả không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu ùn tắc giao thông mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân

Tại hội thảo, ThS Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM đã trình bày báo cáo tham luận về cơ chế, chính sách giúp hệ thống xe buýt hòa nhập với chính sách chuyển đổi xanh ở TP.HCM.

phuong-tien-giao-thong.jpg
ThS Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM.

Theo ông Tính, ngày 22-7-2022 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm khí thải carbon và khí metal của ngành GTVT.

Trong đó có quy định năm 2025, xe buýt nếu muốn đầu tư mới, phải sử dụng xe sạch và xanh, tức xe điện hoặc xe CNG. Năm 2030, lực lượng xe taxi cũng bắt đầu thực hiện chủ trương này. Riêng ở hai TP đặc biệt là TP.HCM và TP Hà Nội đến năm 2030 sẽ đạt 50% lực lượng xe buýt là xe điện.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Tính kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư xe điện như: tiền hỗ trợ cho nhà đầu tư, người mua xe tiên phong, lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả góp dài theo chu kỳ đầu tư, ưu tiên khi xe lưu thông, đậu đỗ...

Riêng ở TP.HCM, do chi phí đầu tư cho ngành xe điện quá lớn khi khởi đầu. Do đó, ông Tính đề nghị trong vòng 5 - 10 năm đầu tiên, tức đến năm 2030 hoặc 2035 TP chỉ nên tập trung phát triển đội xe CNG thay vì xe điện, nhằm tiết giảm ngân sách trợ giá, cũng như chi phí đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, lượng phương tiện cá nhân tại TPHCM hiện đang rất lớn. Chính vì vậy, TP đang từng bước phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để kéo giảm phương tiện cá nhân.

Hiện Sở GTVT đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân gồm các giải pháp công trình, phi công trình, đơn cử như việc vận hành tuyến metro số 1 kết hợp với các tuyến xe buýt kết nối.

Ngành giao thông TP cũng đang thực hiện đề án khí thải. Ở giai đoạn 1, sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sang giao thông xanh (xe điện, khí CNG,…). Hiện đang thực hiện thí điểm ở phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và làm cơ sở để chuyển đổi ở các phương tiện khác.

"Theo kế hoạch, từ năm 2030 trở đi, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng điện. Theo đó, những khó khăn về hỗ trợ lãi suất, hạn mức cho vay với các doanh nghiệp vận tải, đầu tư các trạm sạc, trụ sạc cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ. Sở GTVT sẽ trình UBND TP đề án phát triển xe buýt sang năng lượng xanh. Trong đó, sẽ nghiên cứu hỗ trợ vấn đề lãi suất và đầu tư các trạm sạc, trụ sạc”- ông Võ Khánh Hưng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm