TP.HCM đã gửi giấy khen, tiền thưởng đến gần 26.000 nhân viên y tế chống dịch

(PLO)- Sở Y tế TP.HCM đã gửi tiền thưởng đến 25.840 người hỗ trợ TP chống dịch thông qua tài khoản của Sở Y tế các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, trường học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin tại họp báo. Ảnh: LÊ THOA

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin tại họp báo. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, đã thông tin về tiến độ tặng giấy khen cho 40.000 nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên, tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM theo chỉ đạo của UBND TP.

Bà Như cho biết hiện các đơn vị đã gửi về cho Sở Y tế tổng hợp 29.000 cá nhân tham gia chống dịch. Sở đang khẩn trương gửi giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng đến 29.000 cá nhân này.

Hiện Sở đã gửi tiền thưởng đến 25.840 cá nhân thông qua tài khoản của 176 đơn vị là Sở Y tế các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, các trường học. Đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn tất việc gửi tiền thưởng trong tuần.

Liên quan đến tình trạng tồn kho thuốc và vật tư y tế phòng, chống COVID-19, bà Như cho biết thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại TP có được từ hai nguồn.

Từ nguồn tài trợ, viện trợ được phân bổ từ Bộ Y tế có các loại thuốc đặc trị trong điều trị COVID-19 như Remdesivir, Molnupiravir…

“Hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP cơ bản được kiểm0 soát nên rất ít trường hợp chuyển nặng, phải sử dụng đến nhóm thuốc này. Do đó, các thuốc hiện đang vẫn còn tồn” – bà Như nói và cho biết Sở Y tế đã thống kê và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế.

Song song đó, đối với thuốc từ nguồn mua sắm tại các bệnh viện (BV), nếu sử dụng không hết thì các BV thương lượng để các nhà cung cấp nhận lại. Đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chuyển cho các BV khác sử dụng nhằm mục đích tránh lãng phí.

Riêng về trang thiết bị, vật tư y tế, được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ. Sau khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, sở này đã tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch giải thể các BV dã chiến theo lộ trình và tái cấu trúc các BV với chức năng vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa sắp xếp thành lập các khoa COVID-19 trong BV.

Do đó, các thiết bị này sẽ được thống kê và điều chuyển về các BV để phục vụ song song hai công tác trên.

Đã có tờ trình thành lập Trung tâm mua sắm, đấu thầu

Cũng tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như đã thông tin về việc thành lập lại Trung tâm mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Bà Như cho biết, vừa qua Sở Y tế đã thu thập thông tin về tình hình mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị trực thuộc sở này; đánh giá lại hoạt động của Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP; lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, quận, huyện.

“Đa số các ý kiến đều đồng thuận với phương án thành lập lại trung tâm này nhằm khắc phục các khó khăn, bất cập của hình thức đấu thầu riêng lẻ, giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp và góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai, tăng hiệu quả kinh tế trong công tác mua sắm của ngành y tế TP” – bà Như nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết vào ngày 11-7, Sở Y tế đã có tờ trình, trình UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập trung tâm mua sắm hàng hóa ngành y tế TP và hiện vẫn đang chờ kết quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm