TP.HCM: Dân nộp hồ sơ hành chính qua mạng tăng

TP.HCM đang trong những ngày cao điểm về dịch COVID-19, các công sở, lượng người dân đến trực tiếp giao dịch giảm nhưng giao dịch nộp và giải quyết hồ sơ trực tuyến tăng lên so với trước.

Dân trực tiếp đến giao dịch giảm 30%-50%

Ngày 30 và 31-3, trước lệnh cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các quận, huyện và sở, ngành, người dân vẫn đến cơ quan công quyền giao dịch nhưng lượng người giảm hẳn.

Thống kê chung của các quận, huyện, lượng người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa giảm 30%-50% so với trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Người dân đến giao dịch thời điểm này chủ yếu là các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, sao y, chứng thực, hộ tịch…

Theo ghi nhận của PV, tại các quận 1, 3, Bình Thạnh,  Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Sở Tư pháp…, người dân đến giải quyết hồ sơ hành chính đều qua bước kiểm tra thân nhiệt. Các cơ quan trang bị sẵn nước rửa tay và dán thông báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang, rửa tay và khoảng cách đứng gần nhau 1,5-2 m.

100% người dân đến giao dịch đeo khẩu trang, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng thực hiện việc này nhưng khoảng cách không đúng 1,5-2 m như khuyến cáo của Chính phủ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân làm dịch vụ cho một công ty môi giới nhà, đất, đến UBND quận 3 để làm thủ tục sang tên nhà, đất cho khách cho biết: Thời điểm dịch, đến chỗ đông người rất ngại, nhưng vì yêu cầu của công việc nên vẫn phải đi. “Để đảm bảo an toàn, mình phải đeo khẩu trang, rửa tay và ngồi xa với người khác” - chị nói.

Tại huyện Bình Chánh, bình thường bộ phận một cửa của huyện này rất đông người nhưng những ngày qua lại vắng hẳn. Ông Huỳnh Châu Minh ở xã Phạm Văn Hai, đã 88 tuổi nhưng vẫn đến nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất. Ông nói: “Nhà nước khuyến cáo người già trên 60 tuổi nên ở nhà, tôi cũng biết vậy nhưng công việc cấp bách, tôi vẫn phải tranh thủ đi”.

Tại Sở Tư pháp TP.HCM, chiều 30-3, năm quầy tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa rất thưa người dân, bình thường thì rất đông.

Ông Phan Thanh Huy Đức, Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, cho biết bình quân mỗi ngày sở tiếp nhận khoảng 600-700 hồ sơ. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ khoảng 200 hồ sơ. Trong đó, 90% hồ sơ là cung cấp lý lịch tư pháp.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp vắng hoe. (Ảnh chụp chiều 30-3)  Ảnh: VIỆT HOA

Tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các quận, huyện cho biết lượng hồ sơ người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến có tăng lên so với trước. Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện nay vẫn chưa cao, nhất là tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi…

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết: So với tuần đầu tiên của tháng 3, số lượng người dân đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa của quận là gần 77.000 hồ sơ, giảm tới 52%.

Ông cho hay trừ các hồ sơ sao y, chứng thực thì 100% hồ sơ còn lại đều giải quyết trực tuyến trong ba tháng đầu năm 2020. Cụ thể, 41 thủ tục hành chính trong chín lĩnh vực gồm kinh doanh, hộ tịch, nội vụ, giáo dục đào tạo, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, y tế, lao động, bản đồ quy hoạch trong ba tháng đầu năm đã giải quyết trực tuyến hơn 3.500 hồ sơ. Trong khi đó, trong cả năm 2019 lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến gần 18.000, chiếm khoảng 71%.

Ở quận 3, người dân đến giao dịch trực tiếp cũng giảm và tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tăng so với trước. Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Chánh Văn phòng UBND quận, thông tin tổng hồ sơ nộp trực tuyến của bốn lĩnh vực: tư pháp, đô thị, kinh tế và lao động trong quý I-2020 là hơn 82% (1.188 hồ sơ). Trong khi đó, cả năm 2019 là hơn 30% (2.277 hồ sơ).

Tương tự, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh, cho biết lượng hồ sơ người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến có tăng lên. Trong quý I-2020, có gần 1.000 hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng hơn 11.500 hồ sơ. Trong đó, các lĩnh vực như lao động, kinh tế có 100% hồ sơ nộp qua mạng.

Một số huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, tỉ lệ nộp hồ sơ hành chính qua mạng còn ít. Chủ yếu người dân đến trực tiếp và được cán bộ hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến như một hình thức tuyên truyền cho dân.

Ông Phạm Nhật Trường, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Chánh, cho biết đặc thù của huyện là khu vực nông thôn. Tỉ lệ người dân tiếp cận với máy tính và công nghệ thông tin chưa nhiều nên chủ yếu vận động người dân là chính. Đến nay, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, dịch vụ trả hồ sơ qua bưu điện tới nhà dân còn thấp, trước đây khoảng 8%, nay có nhích lên khoảng 10%.
“Để tăng tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, huyện Bình Chánh đã giao chỉ tiêu cho cán bộ trực tiếp hướng dẫn và vận động người dân nộp hồ sơ qua mạng. Hy vọng là người dân sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn trong thời gian tới” - ông Trường nói.
 

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ…

Ngày 30-3, Thủ tướng chỉ đạo các TP lớn phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, 24 quận/huyện tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các sở, ban ngành và ủy ban cần bố trí nhân sự trực hướng dẫn, trao đổi qua email, tin nhắn, điện thoại, đường dây nóng, đảm bảo trả lời các phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Ngoài ra, các sở, ngành phải kịp thời xử lý đối với các trường hợp hồ sơ bị trễ hạn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Cùng đó là thực hiện rà soát, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm