Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo liên quan kết quả thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Kiểm soát ô nhiễm là yêu cầu cấp bách
Theo Sở TN&MT, từ năm 2019, UBND TP.HCM đã giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nhiều nội dung như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch; thải bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, bố trí và tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất các điểm tập kết rác thải tại khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.
10.375
trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, ô nhiễm môi trường bị nhắc nhở; lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13.501 trường hợp với số tiền phạt khoảng 25,8 tỉ đồng.
TP.HCM cũng giao các địa phương rà soát, xác định các địa điểm có nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra vi phạm để lắp đặt các thiết bị ghi hình làm cơ sở xử lý vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đánh giá: Kiểm soát được ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế là một yêu cầu bức thiết đối với ngành môi trường TP.HCM. Chính vì vậy, thời gian qua Sở TN&MT đã có những tham mưu cho UBND TP trong các chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trong thời gian qua, bên cạnh những giải pháp về công trình, Sở TN&MT xác định những vấn đề liên quan như tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cốt lõi và thiết yếu.
Phòng TN&MT huyện Bình Chánh kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm. Ảnh: TK |
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, huyện đã cải tạo nhiều điểm đen về rác thành nơi tập thể dục ngoài trời, sân chơi thiếu nhi, vườn hoa. Chất lượng vệ sinh môi trường tại một số khu vực, tuyến đường ở huyện đã được cải thiện; hạn chế tình trạng rác tự phát trên các tuyến đường, vỉa hè...
Ngoài ra, huyện Bình Chánh đã thực hiện lắp nhiều camera để theo dõi và xử phạt những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định. Huyện cũng đã triển khai các giải pháp để khắc phục, cải thiện chất lượng nước mặt tại nhiều tuyến sông, kênh, rạch bị ô nhiễm trên địa bàn.
Lắp đặt hàng ngàn camera để xử lý vi phạm về rác thải
Theo Sở TN&MT TP.HCM, từ năm 2019 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã tiến hành khảo sát và lắp đặt 37.871 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị.
Đối với việc giải tỏa các điểm ô nhiễm, theo số liệu cập nhật UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, trong năm 2021, TP tiếp tục rà soát, ghi nhận phát sinh thêm 69 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Tuy nhiên, TP đã giải tỏa thêm 62 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và tiếp tục chuyển hóa thêm 29 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao...).
Như vậy, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 19/2018 đến nay, TP đã rà soát, giải tỏa được 871/894 điểm ô nhiễm về rác thải (tỉ lệ giải quyết đạt 97,4%); chuyển hóa 188 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng. Công tác tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn tiếp tục được các quận, huyện quan tâm và xem đây là công tác cần thực hiện thường xuyên và được sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương.•
TP đặt mục tiêu giải quyết hết các điểm ô nhiễm
Trong kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022-2025, TP đặt ra một số mục tiêu để các đơn vị có liên quan thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể.
Theo đó, giai đoạn 2022-2023, tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với người dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động ý thức người dân bảo vệ môi trường; lắng nghe những góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường. TP cũng phấn đấu giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của cấp phường.
Ngoài ra, TP phấn đấu giải quyết dứt điểm 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải; không để tái phát và phát sinh thêm điểm ô nhiễm; tăng tỉ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng. Song song, phấn đấu 70% phường, xã, thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu.
Trong giai đoạn 2024-2025, TP.HCM tiếp tục duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2022-2023 và phấn đấu nhiều mục tiêu quan trọng khác. Theo đó, phấn đấu 100% phương tiện thu gom rác sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; 100% phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.•