TP.HCM gửi văn bản khẩn cho Đồng Nai về dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành

(PLO)- TP.HCM có văn bản khẩn gửi tỉnh Đồng Nai về nội dung thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-5, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP.HCM vừa có văn bản Khẩn nêu ý kiến về đề xuất về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.

Cụ thể, theo UBND TP.HCM, đối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030, trong giai đoạn 2026-2030, sẽ đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 2 - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe miền Tây).

Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), điểm cuối là sân bay Long Thành (Đồng Nai). Đồ họa: TRÚC TRÚC
Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), điểm cuối là sân bay Long Thành (Đồng Nai). Đồ họa: TRÚC TRÚC

Do đó, việc kết nối từ ga Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành là phù hợp và cần thiết, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và hành khách, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Còn đối với đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án thì UBND TP.HCM cho rằng, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38 km, điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, TP.HCM; điểm cuối tại sân bay Long Thành nằm trong nhóm 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030.

Vì vậy, Luật Đường sắt 2017, không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt nhẹ nêu trên là Vụ Đối tác công tư (Bộ GT-VT).

Do vậy, UBND TP.HCM cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định về đầu tư PPP, quy định về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ.

Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP.HCM thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.

Được biết, tổng mức đầu tư dự kiến dự án này hơn 40.500 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm