Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với UBND các tỉnh, thành Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và các bộ về phương án đầu tư dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Theo nhiều chuyên gia, khi làm tuyến đường sắt này cần lưu ý thêm các phương án kết hợp các tuyến đường sắt như Sài Gòn - Biên Hòa hoặc cân nhắc việc thời điểm nào nên đầu tư cho phù hợp với nguồn lực và nhu cầu giao thông.
Đang lập nhiệm vụ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi
“Ban quản lý dự án đường sắt được giao nhiệm vụ về dự án này. Hiện ban đang lập nhiệm vụ và dự toán trình Bộ GTVT phê duyệt chuẩn bị tổ chức lựa chọn nhà thầu để lập nghiên cứu tiền khả thi” - ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành (Đồng Nai), chiều dài toàn tuyến khoảng 38 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng.
Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), điểm cuối là sân bay Long Thành (Đồng Nai). Đồ họa: TRÚC TRÚC |
Trước đó, vào cuối năm ngoái, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 19-10-2021). Trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành có chiều dài khoảng 38 km, qua địa phận tỉnh Đồng Nai và TP.HCM với lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Tuyến đường sắt này đã được đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Trong công văn, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt nhẹ này được xác định là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu.
Ngoài ra, liên quan đến tuyến đường sắt này, UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến khi góp ý về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP.HCM đề nghị nghiên cứu phương án làm đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành thông qua việc kéo dài tuyến metro số 4b (Gia Định - Lăng Cha Cả).
Lưu ý khi làm tuyến đường sắt hơn 1.000 tỉ đồng/km
“Tuyến đường sắt này khi làm có thể sẽ theo quy mô đường sắt đô thị. Tất nhiên khi làm chúng ta phải lưu ý việc kết nối với các tuyến khác hoặc đón trả khách như thế nào” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nói.
Theo ông Cương, với kinh phí tương đối lớn, nên cân nhắc việc đầu tư như thế nào, đầu tư giai đoạn nào là phù hợp, đồng thời phải xem nhu cầu giữa đường bộ và đường sắt kết nối sân bay Long Thành ra sao để tính toán đầu tư hợp lý.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng nếu chúng ta có vốn đầu tư thì càng làm được nhiều dự án giao thông càng tốt nhưng vấn đề là nguồn vốn hạn hẹp nên phải cân nhắc cái nào thật sự cần thì làm trước.
“Riêng với dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành thì nên cân nhắc thêm phương án kết hợp với tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa để bổ sung các điểm dừng đón khách và bãi gửi xe trong nội thành ở ga Thủ Thiêm” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, dự án có thể giải quyết cho việc di chuyển cho người dân từ khu đô thị Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành tương lai. Ngoài ra, cần lưu ý xã hội hóa các bãi gửi xe để tốn ít chi phí từ ngân sách.
Theo một chuyên gia giao thông ở TP.HCM, việc làm đường sắt kết nối sẽ giảm tải xe cá nhân vào TP, góp phần đa dạng các phương thức di chuyển bên cạnh các tuyến metro trong tương lai.•
Ba tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành tương lai
Trước đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai về đầu tư xây dựng đường sắt kết nối sân bay Long Thành, Bộ GTVT cho biết ủng hộ đề xuất của Đồng Nai về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành sẽ kết nối tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.