TP.HCM kiến nghị lên Quốc hội 5 vấn đề để phát triển bền vững hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chiều 20-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Tham gia cùng đoàn còn có ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Về phía TP.HCM có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, cùng nhiều lãnh đạo khác.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

TP.HCM kiến nghị với Quốc hội 5 nội dung lớn

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội 5 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, về dự án đường vành đai 3, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án.
Thứ hai, về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM được thực hiện cơ chế đối với các nguồn vốn mà TP có thể huy động từ các nguồn thu của TP ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại Quyết định 1535 (142.557 tỉ đồng).
Ban Thường vụ Thành ủy cũng kiến nghị được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thứ ba, về đề án phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Thứ tư, về cơ chế cho TP Thủ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét chấp thuận khi “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức” hoàn chỉnh được trình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Thứ năm, đối với Nghị quyết số 54 của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép được tiếp tục thực hiện Nghị quyết này đến hết giai đoạn 2023-2025 hoặc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM phù hợp với vị trí vai trò của TP để vừa huy động cao nhất nguồn lực phát triển, vừa nâng cao hiệu quả quản lý “một siêu đô thị”. Trong đó kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 và bổ sung một số nội dung mới có liên quan đến tổng thể công tác quản trị TP.HCM.

Các nội dung kiến nghị cụ thể của Nghị quyết mới này, như sau:
-Trọng tâm của Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ là cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP.HCM, gồm 4 lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật – xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý căn bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP.HCM.
Hiện nay, TP.HCM đang có nhiều trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến 4 lĩnh vực trên, với những chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Điều 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
-Trong lĩnh vực tài chính công, có cơ chế cho TP.HCM tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định. Ngoài chi thường xuyên, TP.HCM được quyền quy định tiêu chuẩn, định mức chi của TP phù hợp với nguồn thu và điều kiện kinh tế xã hội của thành phố.
-Về tổ chức bộ máy hành chính, TP.HCM được tự quyết định bộ máy giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ trong nội bộ các bộ phận giúp việc hoặc phân quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của thành phố.
TP.HCM được quyền lựa chọn các nhân sự thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, được sắp xếp, bố trí, sử dụng họ và đưa ra các quyết định cần thiết về nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp đó, như tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch bậc, quyết định đãi ngộ, khen thưởng…
- Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: TP.HCM kiến nghị được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của thành phố, đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ hai, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu cơ bất động sản
Cùng với đó, được quy định các hành vi vi phạm hành chính thường xảy ra ở đô thị nhưng Trung ương chưa có quy định, được nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi mang tính đặc thù đô thị.
- Về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM

Kinh tế năm 2021 tăng trưởng âm nhưng có nhiều điểm sáng

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã báo cáo về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo ông Mãi, đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tổn thất, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động TP.HCM. Vì vậy kinh tế TP trong năm 2021 tăng trưởng âm sâu nhưng vẫn có nhiều điểm sáng.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỉ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỉ USD (tăng 38,48% so cùng kỳ), kiều hối đạt 6,6 tỉ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Mãi cho biết, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha (tổng diện tích dự án hơn 1.840 ha). Từ đó đã giúp TP chủ động, rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha.
UBND TP cũng trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP.
TP.HCM cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM giai đoạn 2021-2025, 2026-2030. Theo đó, năm 2022 tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM được điều chỉnh từ 18% lên 21%, tăng 3% so với năm 2021.
Mặc dù vậy, ông Mãi cũng cho rằng việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Lý do là có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định; do đại dịch COVID-19…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm