Nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai, UBND TP.HCM đã đưa ra các phương án phòng ngừa, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, động đất, sóng thần. Trong đó, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021-2025.
Chủ động phòng chống thiên tai
Mục tiêu của chương trình thi đua nói trên nhằm tập hợp, động viên sức mạnh của cá nhân, tổ chức tham gia công tác PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn. Từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, 100% lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng PCTT.
UBND TP.HCM đã đưa ra các phương án phòng ngừa, ứng phó với tình trạng ngập lụt. Ảnh: TỰ SANG
Phong trào thi đua được triển khai ở sở, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.
Nội dung thi đua bao gồm: Thực hiện tốt các quy định của pháp luật; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thành ủy và UBND TP.HCM về công tác PCTT. Từ đó nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành PCTT của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phấn đấu đạt tiêu chí “Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn kiểu mẫu”.
TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Song song đó, làm tốt công tác xã hội hóa nguồn lực cho PCTT, triển khai thu và sử dụng có hiệu quả Quỹ PCTT TP.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đoàn thể ngoài có kế hoạch thực hiện phong trào thi đua trên, hằng năm có văn bản kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành và khi có thay đổi nhân sự. Đồng thời cập nhật phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
UBND TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định về phương án “phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn TP”.
Phương án này được đưa ra nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Từ đó đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có động đất, sóng thần xảy ra. Đồng thời, phương án cũng là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.
Qua phương án này, các cơ quan, đơn vị có cơ sở để đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan, đơn vị cũng có thể vận dụng phương án này làm cơ sở triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ứng phó có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có động đất, sóng thần xảy ra.
Theo đó, UBND TP yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM là cơ quan chỉ đạo. Sở TN&MT TP sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện và chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn sẽ là cơ quan chỉ huy ở cấp huyện, xã.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Khả năng xảy ra động đất, sóng thần ở TP.HCM Theo tài liệu đề tài “Nghiên cứu xác định cơ sở khoa học để xây dựng mạng quan trắc động đất khu vực TP.HCM và Nam bộ” (nghiên cứu vào năm 2006): Cho đến nay, TP.HCM chưa có tâm chấn phát ra động đất mà chỉ là vùng bị ảnh hưởng. Cụ thể, vào năm 2005, động đất xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu cách TP.HCM 100-120 km có ảnh hưởng đến các công trình, nhà cao tầng. Các trận động đất này gây ra một số dư chấn làm cho nhà cao tầng của TP rung nhẹ, ảnh hưởng không ít đến tâm lý người dân. TP.HCM nằm trong vùng động đất thuộc vùng có đứt gãy của sông Sài Gòn. Loại đứt gãy này có khả năng phát sinh động đất đến 5,5 độ Richter, gây chấn động cấp VII ở khu vực TP.HCM và các vùng lân cận. Mặc dù khả năng xảy ra động đất ở mức độ nhỏ nhưng chúng ta cũng cần lưu ý sự tác động của dư chấn đến các chung cư cao tầng cũ, các công trình có móng yếu, các công trình có chất lượng xây dựng kém. Các công trình này sẽ bị ảnh hưởng khi dư chấn mạnh hơn và thậm chí có khả năng xảy ra sóng thần nếu như tâm chấn xuất phát từ vùng biển lân cận. |