TP.HCM: Nạn khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp

(PLO)- Công tác phòng, chống nạn “cát tặc” hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nên TP.HCM và các tỉnh giáp ranh vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh giai đoạn 2019-2022 và triển khai đề án giai đoạn 2023-2026 tại huyện Cần Giờ. Ngoài TP.HCM, các tỉnh giáp ranh cũng đưa ra nhiều vấn đề còn tồn đọng trong việc phòng, chống “cát tặc”.

Thủ đoạn của “cát tặc” rất manh động và tinh vi

Tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng trong khu vực cũng tăng mạnh.

Tàu khai thác cát trái phép ở TP.HCM. Ảnh: NV

Tàu khai thác cát trái phép ở TP.HCM. Ảnh: NV

“Hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện được đánh giá là siêu lợi nhuận, kinh phí đầu tư không nhiều vì vậy các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng. Chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu nói.

Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội biên phòng TP.HCM, cho biết thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường khai thác cát từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Địa điểm khai thác thường chọn những vùng biển xa bờ 6-10 hải lý và là địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre…

“Trong quá trình khai thác chúng luôn có lực lượng quan sát, cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, chúng thông báo cho các đối tượng khai thác rút vòi bơm, xả cát xuống biển, chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh” - ông Thắng nói.

Tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, thông tin từ năm 2019 đến chín tháng đầu năm 2022 đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6 tỉ đồng, tịch thu hơn 200 phương tiện và khoảng 40.000 m3 cát.

Trong khi đó tại Tiền Giang, ông Giang Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức hơn 600 cuộc kiểm tra. Qua đó phát hiện, xử lý 208/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ.

Tổng số tiền phạt gần 18 tỉ đồng, tịch thu 12 phương tiện và hàng ngàn mét khối cát san lấp. Trong đó, số vụ xử lý trên biển Cần Giờ và vùng giáp ranh biển Cần Giờ là 62 vụ/42 đối tượng với tổng số tiền xử phạt gần 1,6 tỉ đồng.

“Tại TP.HCM, từ năm 2019 đến chín tháng đầu năm 2022 đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp.”

Nhiều khó khăn trong phòng, chống khai thác cát trái phép

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, trong quá trình thực hiện đề án, các đơn vị chức năng TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn hiện nay còn thiếu địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gây khó khăn cho việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm. Việc chế tài xử lý đối với hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ, tiêu thụ cát trái phép không đủ sức răn đe.

“Các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng ban đêm, điều kiện thời tiết bất lợi và những vị trí có khoảng cách xa bờ để thực hiện hành vi vi phạm nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Chúng sử dụng kẽ hở trong hoạt động xuất hóa đơn, truy xuất nguồn gốc của cát vận chuyển để đối phó với sự kiểm tra của các lực lượng chức năng thông qua hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển, hóa đơn, chứng từ có sẵn từ mỏ cát ở các tỉnh miền Tây…” - bà Mỹ nêu.

Ngoài ra, bà Mỹ cho biết thêm hiện nay việc thiếu, chậm đầu tư các hệ thống giám sát tự động (AIS) đã hạn chế khả năng phát hiện sớm các hoạt động khai thác cát trái phép trên biển...

Ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng nêu khó khăn khi tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm là tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, va chạm mất an toàn. Việc xử lý khối lượng khoáng sản khai thác trái phép tốn nhiều thời gian, thủ tục để thực hiện.

Tại hội nghị, các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Tiền Giang cũng cho biết tại các tỉnh này, tình trạng khai thác cát cũng diễn ra tương tự như tại TP.HCM. Trong đó, “cát tặc” ngày càng tinh vi, manh động. Ngoài ra, hiện nay do nhiều vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật nên việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn còn nhiều khó khăn tương tự như tại TP.HCM.

Đánh giá ba năm thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Minh Châu cho rằng đề án đã triển khai trong ba năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ thực hiện khoảng một năm rưỡi. Bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại và hạn chế vấn đề đặt ra để TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận giải quyết.

Ông Châu nhìn nhận những khó khăn còn tồn đọng trong thời gian qua là do một số quy định pháp luật về khoáng sản còn nhiều kẽ hở. Các quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra với cơ quan, chính quyền địa phương hiện nay chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép còn thiếu và không đáp ứng được trong điều kiện địa hình, thời tiết diễn ra phức tạp. Do đó tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP diễn ra dai dẳng và chưa xử lý được dứt điểm.

Ông Châu yêu cầu các sở, ngành chức năng TP.HCM phải tiếp tục rà soát những quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tế để tham mưu TP kiến nghị trung ương sửa đổi các quy định pháp luật. Qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép.•

TP.HCM sẽ rà soát nguồn gốc cát của các công trình xây dựng

Sở TN&MT cần đề xuất các vị trí khai thác cát không ảnh hưởng đến môi trường. Sở Xây dựng rà soát các công trình xây dựng ở TP.HCM thì phối hợp với các tỉnh lấy cát ở đâu, loại cát nào thì phải có hướng cụ thể để điều chỉnh cung - cầu.

Sáu tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, cùng với sự gia tăng của đầu tư công cho sự phát triển hạ tầng, đường sá, tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng mạnh là tiền đề cho việc sử dụng các vật liệu san lấp nên áp lực trong giai đoạn tới sẽ còn nhiều hơn. Công cuộc đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép vì thế sẽ còn diễn ra lâu dài, phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM NGÔ MINH CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm