Chiều 21 – 2, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – HoREA cho biết, vừa gửi văn bản kiến nghị lên Thường trực Thành ủy TP.HCM và Thường trực UBND TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo HoREA, quy mô dân số hiện tại TP.HCM đã gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho thấy, khoảng 500.000 hộ chưa có nhà và có hơn 81.000 gia đình cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020.
TP.HCM nên phát triển nhà ở xã hội cho thuê hơn là bán với giá 100-200 triệu đồng/căn
Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn. Trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng có sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, có giá bán khoảng từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng, sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền.
Riêng năm 2017, TP.HCM sẽ hoàn thành bốn dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 1.654 căn hộ tại chung cư Hạnh Phúc, chung cư phường 15 của quận Tân Bình, cụm chung cư 35 Hồ Học Lã ở quận Bình Tân, khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 tại quận 12.
Về khả năng thực hiện căn hộ 30m2, HoREA cho rằng TP.HCM vẫn có thể làm được căn hộ nhà ở xã hội 30m2, có giá bán từ 100 – 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương vàcó sẵn hệ thống hạ tầng giao thông.
Đồng thời, gần các khu công nghiệp, nơi làm việc và có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công viên. Cụ thể, TP.HCM có thể xây tại nhà ở xã hội tại Khu chế xuất Linh Trung I, II, III, Khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Riêng Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn. Khu chế xuất Tân Thuận cũng đã điều chỉnh quy hoạch và giao cho Công ty Sadeco phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động của khu chế xuất.
HoREA tính toán, với quỹ đất nêu trên có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 – 200 triệu đồng/căn và chỉ có 10.000 người mua được loại nhà này, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
"Như vậy, đa số công nhân và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong lúc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại cần phát triển nhiều nhà ở xã hội cho thuê thì phù hợp với nhu cầu thực tế và của các lớp công nhân, lao động tiếp theo", ông Châu nói.