Sau thông tin cháu bé bị chó thả rông cắn dẫn đến tử vong ở Hưng Yên, nhiều bạn đọc ở TP.HCM phản ánh đến báo cho biết họ cũng đang lo lắng trước tình trạng chó thả rông ở địa phương.
Pháp luật hiện hành (Nghị định 90/2017) cấm người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Các quận/huyện ở TP.HCM từng xử phạt rất nhiều người nuôi chó thả rông và tiến hành bắt chó chạy rông nhằm tránh gây nguy hiểm cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng chó thả rông trên địa bàn TP.HCM hiện vẫn tồn tại.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhận hơn 10 công văn của UBND các phường/xã đề nghị phối hợp bắt chó chạy rông” - ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết như trên vào sáng 4-4.
Nhiều lần suýt bị chó chạy rông cắn
Ông Thành (phường 11, quận 3, TP.HCM) cho biết khu vực ông ở có khá nhiều chó chạy rông. “Chẳng những ị bậy, chúng còn cắn nhau chí chóe. Tôi suýt hai lần bị chó thả rông cắn và đã đưa ý kiến này trong buổi tiếp xúc cử tri của UBND phường” - ông Thành cho biết.
Tương tự, bà Hương (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết khu vực bà ở cũng tập trung khá nhiều chó chạy rông, bà luôn lo là những con chó này có thể gây thương tích cho người.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 3, tình trạng chó thả rông xảy ra khá nhiều tại các khu dân cư. “Không chỉ gây ảnh hưởng an toàn giao thông, chó chạy rông còn có nguy cơ gây thương tích cho người. Do vậy, UBND phường đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phối hợp hỗ trợ bắt chó thả rông” - ông Phúc cho biết.
Ông Đường Đức Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, cho biết để đảm bảo an toàn cho người dân sống trên địa bàn, UBND phường phải “cầu cứu” Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phối hợp tổ chức bắt chó chạy rông trên các tuyến đường của phường.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết hiện nhiều quận/huyện lập tổ bắt chó thả rông để chủ động tóm chúng.
Chó chạy rông bị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM bắt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chủ nuôi chó không đăng ký
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT quy định chủ nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND phường/xã. Tuy nhiên, việc này hầu như không chủ nuôi chó nào thực hiện.
“Do chủ nuôi chó không đăng ký với UBND phường/xã nên cơ quan chức năng không nắm chính xác số lượng chó nuôi. Điều này ảnh hưởng đến kết quả tiêm ngừa bệnh dại và chó nuôi dễ có nguy cơ nhiễm bệnh dại” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết hiện không ít hộ ở quận vùng ven hoặc huyện ngoại thành TP.HCM nuôi chó bầy đàn 4-5 con để giữ nhà hoặc trang trại. “Đặc tính của chó bầy đàn là hùa nhau và tấn công chó lạ hoặc người nên rất dễ gây thương tích cho đối phương. Không chỉ chó berger, chó ta nuôi thành bầy đàn cũng rất dữ và có nguy cơ tấn công” - ông Dũng nói thêm.
199.920 con là số lượng chó đang được nuôi ở TP.HCM bởi gần 110.570 hộ dân. Số liệu nói trên do nhân viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thống kê trong quá trình tiêm phòng bệnh dại cho chó. Trong khi vẫn còn không ít chó không được tiêm ngừa dại. Do vậy, số hộ nuôi và tổng đàn chó thực tế cao hơn con số nói trên.