Sáng 12-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã họp bàn các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
7.530 nhân viên y tế đã được tiêm ngừa
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tính đến nay có 227 trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện tại TP.HCM. Trong đó, 68 trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng (chiếm tỉ lệ 29,95%), 155 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỉ lệ 68,28%), bốn trường hợp lây trong khu cách ly của Vietnam Airlines (1,77%).
TP đã điều trị khỏi cho 216 trường hợp, hiện chỉ còn điều trị cho 11 người là các trường hợp nhập cảnh với sức khỏe ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng.
Hiện TP vẫn đang tiếp tục giám sát kỹ các nhóm nguy cơ như hành khách đến trong ngày, tổ bay quốc tế. Bên cạnh đó, tầm soát định kỳ nhóm nguy cơ trong bệnh viện gồm các nhân viên y tế, người phục vụ, bệnh nhân mạn tính điều trị nội trú và nhóm nhân viên sân bay.
Về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, tính đến ngày 10-4, TP đã tiêm chủng cho 7.530 nhân viên y tế của 65 cơ sở y tế. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đều được theo dõi chặt chẽ và hiện tất cả đều ổn định.
Ngoài ra, ngành y tế cũng hỗ trợ lực lượng công an tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1.000 cán bộ công an tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 của TP. Trong tuần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) sẽ tiếp nhận 1.600 liều vaccine từ Trung tâm Tiêm chủng VNVC để tổ chức tiêm cho nhân viên các khách sạn thực hiện cách ly tập trung.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp sáng 12-4. Ảnh: HUYỀN MAI/TTTTBC
TP.HCM đã hai tháng qua không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. TP đang cách ly tập trung 2.125 người, trong đó cách ly có thu phí 1.998 người gồm chuyên gia người nước ngoài, tổ bay quốc tế và người nhập cảnh có nhu cầu. |
Nguy cơ tiềm ẩn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ ngày 11-2 đến nay đã tròn hai tháng TP không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đó là sự nỗ lực và cố gắng đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP.
Tuy nhiên, ông Phong lo ngại diễn biến của dịch bệnh đang phức tạp, nhất là tại nước láng giềng Campuchia, số ca bệnh đang tăng vọt, tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhập vào TP.HCM nếu không quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu như năm 2020, số ca bệnh ở Campuchia chỉ khoảng 500 ca thì hiện nay số ca bệnh đã lên đến 4.081 ca. Riêng ngày 10-4, Campuchia ghi nhận đến 454 ca mắc mới.
Từ thực tế này, chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị có liên quan cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để tái xâm nhập dịch bệnh trong cộng đồng. Các quận/huyện, xã/phường cần tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, các tổ dân phố tự giác, phát hiện và kịp thời báo tin cho chính quyền về các trường hợp nhập cư trái phép, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng.
Liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin thêm: TP đã hoàn thành đợt 1 tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Hiện nay, do số lượng vaccine còn hạn chế, các ngành liên quan cần có sự đánh giá nguy cơ để xác định chính xác thứ tự ưu tiên tiêm chủng, phù hợp với thực tiễn của TP. Cạnh đó, lập danh sách theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho các đối tượng còn lại khi có đủ vaccine.
“Song song với triển khai tiêm ngừa vaccine, việc tiếp tục thực hiện thông điệp 5K vẫn có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và cần sự tự giác, sự đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương, người dân TP” - chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Người đứng đầu TP cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, đánh giá mức độ an toàn trong phạm vi của đơn vị mình và xây dựng kế hoạch ứng phó, kiểm soát.
Tiêm thử nghiệm mũi 2 vaccine Covivac cho sáu người Sáng 12-4, sáu tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm mũi 2 vaccine Covivac tại ĐH Y Hà Nội, những người này đã tiêm mũi 1 vào ngày 15-3 vừa qua. Với mũi tiêm thứ hai, các tình nguyện viên không phải ở lại 24 giờ như mũi 1 mà thay vào đó là theo dõi sau tiêm 4 giờ. Tính từ ngày tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 (ngày 15-3), đến nay đã hoàn thành tiêm cho 96 tình nguyện viên với sáu buổi tiêm vaccine. Vaccine Covivac là vaccine thứ hai của Việt Nam, do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 120 người tại Hà Nội. HÀ PHƯỢNG |