TP.HCM từng kỳ vọng triển khai nhiều dự án xã hội hóa di dời nhà ven kênh rạch nhưng đến nay có dự án chuyển qua làm bằng vốn ngân sách vì nhà đầu tư rút lui, các dự án còn lại chưa biết đi về đâu.
3 dự án thí điểm vẫn chưa thấy điểm ra
Tháng 2-2023, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản gửi UBND TP về việc thực hiện ba đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn quận 7 theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Các dự án được đề xuất thí điểm gồm dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỉ đồng, dự án rạch Bần Đôn với 3.100 tỉ đồng và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, sau 1 năm 4 tháng, cả 3 dự án di dời nhà ven kênh này đều giậm chân tại chỗ, chưa được triển khai vì chưa có nhà đầu tư dù đã có nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều văn bản đôn đốc từ các sở ngành…
“Sở Xây dựng TP đã có báo cáo UBND TP về trình tự, thủ tục các bước triển khai thực hiện 3 dự án trên. UBND TP đã tổ chức họp và có chỉ đạo giao Sở Xây dựng TP thành lập Tổ Công tác liên ngành để xử lý các công việc liên quan đến các thủ tục thực hiện 3 dự án”, đại diện Sở Xây dựng TP trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Theo Sở Xây dựng TP, Tổ Công tác đã họp nhiều lần, có nhiều văn bản đôn đốc các sở ngành để xem xét đánh giá toàn diện các nội dung về chủ trương điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy mô dân số, điều chỉnh hành lang bảo vệ kênh rạch để tăng quỹ đất khai thác… của 3 dự án này
Trong thời gian tới, Tổ Công tác sẽ sớm trình UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện 3 dự án trên.
Trong động thái mới nhất, ngày 26-6, Sở Xây dựng TP đã ban hành ý kiến kết luận và chỉ đạo của ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng - Tổ trưởng Tổ Công tác về triển khai thực hiện 3 dự án. Theo đó, ông Quân giao thành viên Tổ Công tác báo cáo tham mưu lãnh đạo Sở QH-KT TP có văn bản gửi UBND quận 7 nêu rõ ý kiến, quan điểm về việc triển khai thực hiện dự án; hướng dẫn UBND quận 7 trong việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại khu vực thực hiện dự án khu sông Ông Lớn.
Đồng thời, ông Quân cũng kiến nghị Tổ Công tác, UBND quận 7 có ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, chỉ tiêu dân số theo ý kiến của Sở QH-KT TP, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất liên quan đến việc triển khai thực hiện 3 dự án.
Dự án xã hội hóa chưa biết ra sao
Không riêng gì 3 dự án được thí điểm này, nhiều dự án di dời nhà ven kênh rạch theo hình thức xã hội hóa ở TP.HCM đều gặp khúc mắc. “Nhóm dự án xã hội hóa nhà ven kênh được thực hiện trên các tuyến kênh rạch có thể mở biên chỉnh trang, mở ranh thực hiện dự án và khai thác được quỹ đất. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều khó khăn”, đại diện Sở Xây dựng TP cho biết.
Một phần khó khăn của dự án xã hội hóa nhà ven kênh, theo Sở Xây dựng TP là không nhiều nhà đầu tư đủ năng lực tham gia thực hiện vì các dự án di dời nhà ven kênh có tính chất công ích, dân sinh, không chỉ di dời mà còn tổ chức lại cuộc sống cho người dân đến nơi ở mới tốt hơn, quy mô dự án lớn, thời gian thực hiện lại lâu...
“Sở Xây dựng TP cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế lớn, làm việc, giới thiệu các dự án với các tổ chức định chế tài chính quốc tế tìm hiểu cơ hội đầu tư như: JICA - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng phát triển Châu Á ADB… Đến nay các nhà đầu tư chỉ ở bước quan tâm, tìm hiểu thông tin, chưa có dự án nào được triển khai”, đại diện Sở Xây dựng TP thừa nhận.
Theo Sở Xây dựng TP, TP cũng đã tạo điều kiện giao cho các nhà đầu tư trong nước tham gia nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án như rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh, Bờ Nam Kênh Đôi nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay các nghiên cứu, đề xuất vẫn chưa được phê duyệt. Thậm chí, 2 tuyến Xuyên Tâm và Văn Thánh do khó khăn trong việc mời gọi đầu tư nên đã chuyển sang sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Ngoài ra, để thực hiện được các dự án xã hội hóa, khó khăn nhất là giải bài toán về quy hoạch do các khu vực dọc các tuyến kênh rạch thường có chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hệ số sử dụng đất thấp nên chỉ có thể xây dựng được các công trình thấp tầng, rất khó để thu hút các nhà đầu tư quan tâm.
“Do đó, phải nghiên cứu và đề xuất được phương án điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 khu vực thực hiện dự án sao cho khả thi nhất, xây dựng được đầu bài đủ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án", Sở Xây dựng TP đề xuất.
Ghi nhận thực tế tại khu vực các dự án này cho thấy tình cảnh không khác gì câu chuyện nhà ven kênh của TP. Hàng loạt ngôi nhà lụp xụp, “ổ chuột” bám dòng kênh, có nơi đọng rác bốc mùi hôi thối.
“Tôi cũng nghe có dự án hàng chục năm nay, nghe nói sẽ làm cây xanh rồi sau đó cũng không thấy ai nói gì nữa. Tôi muốn xây nhà hay sửa chữa đều phải xin phép mới được làm. Giờ chúng tôi chỉ mong khi thực hiện dự án, Nhà nước hỗ trợ việc di dời hoặc cho chúng tôi được mua nhà giá rẻ để có chỗ ở”, bà Lâm, nhà ở khu vực gần ao Song Tân, phường Tân Quy, quận 7 cho biết.
Dọc con đường Lâm Văn Bền, quẹo vào các hẻm kéo dài trên phường Bình Thuận, quận 7 là con rạch Bần Đôn, nhiều đoạn trên con rạch này là hàng loạt nhà ven kênh dựng tạm. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người dân giặt giũ, sinh hoạt, ăn uống với rác, nước thải được xả thẳng xuống dòng kênh.