Đó là trả lời của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, trước các câu hỏi đặt ra từ các đại biểu về vấn đề biên soạn sách giáo khoa (SGK) riêng của TP tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa IX sáng 6-12.
Một số đại biểu đặt vấn đề: Quốc hội có nghị quyết lùi thời gian thực hiện lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới, việc biên soạn SGK riêng đặc thù cho từng địa phương cũng còn gây nhiều tranh cãi, vậy TP có còn được phép tiếp tục biên soạn SGK riêng không? Lộ trình thực hiện như thế nào?
Ông Lê Hồng Sơn cho biết năm 2016 Bộ đã có công văn cho phép Sở GD&ĐT TP.HCM được biên soạn bộ SGK riêng để phù hợp đặc thù về địa lý, lịch sử, văn hóa... Ngay sau đó Sở đã tiến hành các công tác chuẩn bị vì TP.HCM có lợi thế là một TP lớn, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo giỏi... Hiện Sở đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục TP để tập hợp các vấn đề, chuẩn bị nhân sự và bàn cụ thể định hướng xây dựng nội dung sách từng môn, phân môn, chương trình giảng dạy.
Việc biên soạn sẽ do đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và những giáo viên giỏi tại TP thực hiện. Nội dung sẽ vẫn bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Tăng tính tích hợp kiến thức, cải tiến hiện đại và có tính ứng dụng cao.
“Hiện TP chỉ mới chuẩn bị về dữ liệu và nhân sự. Khi nào Bộ GD&ĐT phê duyệt khung chương trình thì mới bắt tay vào biên soạn chính thức. Đến nay vẫn chưa có văn bản nào của Bộ hủy kế hoạch biên soạn này cả” - ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, sau khi biên soạn xong, bộ sách sẽ được trình lên Bộ GD&ĐT để Bộ phê duyệt trước rồi mới thực hiện, tất nhiên phải hoàn tất trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi Bộ phê duyệt, Sở sẽ thực hiện dạy thực nghiệm bộ sách này vào năm 2019 để đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa trước khi ban hành chính thức.
Ông Sơn cũng cho hay ngoài áp dụng tại TP.HCM, nếu các tỉnh/thành khác thấy nội dung bộ sách phù hợp có thể thực nghiệm và sử dụng để giảng dạy.