Gần đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (gọi tắt là ban quản lý) kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp lén lút đưa thịt heo không rõ nguồn gốc, có biểu hiện biến chất vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và Hóc Môn (TP.HCM) tiêu thụ.
Thịt thối suýt lọt vào lồng chợ
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Minh Sơn chở 20 con heo đã giết mổ từ Long An đưa vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Mặc dù số heo nói trên có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, niêm phong vẫn còn nguyên nhưng ban quản lý phát hiện một con heo nặng gần 120 kg không có dấu kiểm soát giết mổ. Ngoài phạt hơn 3 triệu đồng, ban quản lý buộc ông Sơn phải thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y con heo nói trên trước khi đưa vào lồng chợ kinh doanh.
TP.HCM hằng năm tiêu thụ khoảng 330.000 tấn thịt các loại, trên 450.000 tấn thủy sản, 1,8-1,9 triệu tấn rau củ quả và khoảng 900 triệu trứng gia cầm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30%.
Tương tự, ông Trịnh Phi Hải cũng bị ban quản lý phạt gần 7 triệu đồng và buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc buộc tiêu hủy một con heo biến chất. Lý do, ông Hải chở 35 con heo đã giết mổ từ Long An vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Toàn bộ heo có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật và còn nguyên niêm phong.
Qua kiểm tra, ban quản lý phát hiện một con heo nặng 110 kg mặc dù có dấu kiểm soát giết mổ nhưng nhìn không rõ. Đáng chú ý, quầy thịt có biểu hiện sậm màu, mặt cắt rỉ dịch, độ đàn hồi cơ đùi kém, mỡ sa ứ huyết đỏ và bốc mùi ôi thiu.
Chưa hết, ban quản lý còn phạt bà Nguyễn Thị Cẩm Tú 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 70 kg thịt heo không đảm bảo vệ sinh thú y. Trước đó, xe tải chở 21 con heo (tương đương 42 mảnh) của bà Tú từ Long An vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Tất cả số heo nói trên có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, niêm phong vẫn còn nguyên.
Trong quá trình kiểm tra, ban quản lý phát hiện hai mảnh heo có trọng lượng gần 70 kg mặc dù có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y nhưng có biểu hiện hạch lâm ba xung huyết, xuất huyết, cơ tái trắng nhạt, không đàn hồi, mỡ sa màu xanh nhạt, thịt có mùi hôi.
Không để “lọt lưới” thực phẩm bẩn
Tối 28 và sáng 29-12, ban quản lý khảo sát hoạt động kinh doanh thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán 2023 tại hai chợ đầu mối nông sản của TP.HCM là Bình Điền, Hóc Môn và hai chợ truyền thống là An Nhơn (quận Gò Vấp) và Phạm Văn Hai (quận Tân Bình).
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết bình quân một ngày đêm chợ nhập khoảng 2.320 tấn hàng hóa. “Trong đó, thịt heo khoảng 335 tấn, trái cây khoảng 360 tấn, rau củ khoảng 1.625 tấn. Hàng hóa có nguồn gốc trong nước khoảng 95%, Trung Quốc 4% và 1% còn lại của các nước khác” - ông Tiển cho biết thêm.
Thịt heo được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn kinh doanh. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Trong năm 2022 công ty và ban quản lý xét nghiệm chất cấm và chất tạo nạc 97 mẫu thịt heo, xét nghiệm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật 107 mẫu rau củ quả và tất cả đều âm tính. Công ty đã nhắc nhở và cảnh cáo ba trường hợp kinh doanh thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
“ATTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng nên công ty thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP. Ý thức được tác hại của các loại hóa chất độc hại, chất phụ gia, chất bảo quản, chất tẩy trắng trong thực phẩm, nhiều thương nhân ký cam kết không sử dụng và sẽ chịu trách nhiệm nếu vi phạm” - ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, chia sẻ.
Cũng theo ông Vinh, tháng 8-2022, công ty kiểm tra hồ sơ pháp lý ATTP và lấy mẫu rau, trái cây tại 14 điểm kinh doanh của 10 thương nhân để xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả không có mẫu vi phạm. Tháng 9 và tháng 10-2022, công ty kiểm tra hồ sơ pháp lý ATTP tại 118 điểm kinh doanh của 50 thương nhân và tất cả đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Trưởng Ban quản lý chợ An Nhơn (quận Gò Vấp), cho biết chợ luôn tuyên truyền kinh doanh thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bày hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc… “Năm 2022, chợ lấy 25 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh hàn the, formol và độ ôi khét dầu mỡ tại tám sạp kinh doanh thực phẩm. Tất cả mẫu cho kết quả âm tính” - ông Nghiệp cho biết thêm.
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm tết
Gần tết Nguyên đán 2023, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên lượng thực phẩm từ các tỉnh đưa vào TP.HCM rất nhiều, do đó ban quản lý đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023.
Theo đó, từ giữa tháng 12-2022 đến giữa tháng 3-2023, các đoàn kiểm tra của TP.HCM tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kể cả các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống… để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM