TP.HCM: Sớm bổ sung phó chủ tịch cho phường, xã đông dân

(PLO)- Theo giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, ngoài việc bổ sung phó chủ tịch cho các phường, xã, thị trấn đông dân, TP sắp trình giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các địa phương này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (QH), 52 phường, xã, thị trấn đông dân (từ 50.000 dân trở lên) tại các quận, huyện và TP Thủ Đức thuộc TP.HCM sẽ được bổ sung thêm một phó chủ tịch. TP.HCM đã bắt tay vào triển khai ngay khi được QH cho phép, tuy nhiên hiện nay trong khi một số địa phương đã bổ sung xong thì một số khác vẫn đang phải chờ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã thông tin thêm về tiến độ triển khai nội dung này.

P4-bai-1h-viethoa.jpg
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Hiệp Bình Chánh, TPThủ Đức (TP.HCM).
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nhiều nơi khẩn trương bổ sung phó chủ tịch

Ông Huỳnh Thanh Nhân nhìn nhận việc được tăng thêm nhân sự là điều mong mỏi của các địa phương trên địa bàn TP, nhất là địa phương đông dân. Việc này được kỳ vọng sẽ đảm bảo nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cơ sở, giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Theo đó, tháng 9-2023, HĐND TP đã thông qua nghị quyết triển khai việc bổ sung một phó chủ tịch HĐND, một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Ba huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi mỗi huyện được bổ sung thêm một phó chủ tịch. Đồng thời, đối với các phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 dân trở lên sẽ được bổ sung thêm một phó chủ tịch.

Tháng 10-2023, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung nêu trên theo quy định về công tác cán bộ. Cụ thể, thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Thủ Đức, các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, Huyện ủy Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn để thực hiện quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện quy trình bầu, phê chuẩn kết quả bầu cử phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức và ba huyện theo quy định.

Đồng thời, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thực hiện quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử và quy trình bổ nhiệm đối với phó chủ tịch UBND phường; quy trình bầu, phê chuẩn kết quả bầu cử đối với phó chủ tịch UBND xã.

Theo quy trình, chủ tịch UBND TP.HCM phê chuẩn kết quả bầu cử phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức và ba huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận ban hành quyết định bổ nhiệm phó chủ tịch UBND phường. Đồng thời, trên cơ sở HĐND xã, thị trấn bầu phó chủ tịch UBND xã, thị trấn, chủ tịch UBND huyện sẽ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ này.

Vừa qua, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiến hành thực hiện quy trình bổ nhiệm, bầu bổ sung thêm một phó chủ tịch. Các xã, thị trấn thuộc ba huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đang tiến hành làm quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử.

Các phường thuộc quận 8 và Gò Vấp chưa có biên chế và đồng thời xin ý kiến chờ thực hiện bố trí sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Còn một số địa phương khác chưa thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự do chưa có biên chế bổ sung.

“Được tăng thêm nhân sự là điều mong mỏi của các địa phương trên địa bàn TP, nhất là địa phương đông dân.”

Trình giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách

Liên quan đến việc một số địa phương hiện nay chưa triển khai bầu bổ sung nhân sự theo Nghị quyết 98, giám đốc Sở Nội vụ cho biết sở đã có các buổi giao ban, làm việc thực tế tại một số đơn vị. Qua đó thảo luận, bàn bạc thống nhất các nội dung để triển khai đồng bộ, tránh bất cập khi cùng lúc thực hiện nhiều nội dung của công tác cán bộ.

Hiện nay, các phường thuộc quận do thực hiện chính quyền đô thị nên áp dụng quy định bình quân 15 công chức/phường và công chức hành chính thuộc biên chế cấp huyện trở lên. Vì vậy một số phường hiện chưa được bổ sung thêm một biên chế cho một phó chủ tịch UBND tăng thêm.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tiến hành thực hiện quy trình trình HĐND TP trong phiên họp chuyên đề tháng 1 tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP.HCM.

Sau khi HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết, các cơ quan, đơn vị sẽ đốc thúc thực hiện. “Đúng là hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đang rất quá tải công việc. TP.HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành số hóa các loại thủ tục hồ sơ. Hy vọng rằng sau khi đã số hóa xong thì công việc sẽ đi vào nề nếp, giảm tải cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp” - ông Nhân nói.•

TP.HCM đảm bảo chất lượng phục vụ người dân

Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, ở vị trí đầu tàu của cả nước, bộ máy hành chính của TP phải phục vụ cho hơn 10 triệu dân. Điều này cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức TP đang đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ, nhất là sau khi Nghị quyết 98 của QH đi vào vận hành.

Do đó, để đảm bảo nguồn lực cho TP.HCM hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, TP trình Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế, Bộ Chính trị về tình hình quản lý và sử dụng biên chế tại TP. Báo cáo này được gửi vào giữa tháng 12-2023.

Trong đó, TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế, chấp thuận cho TP.HCM tự chủ về biên chế, tức tự cân đối về tổng số biên chế công chức hành chính trên mức độ tự chủ ngân sách của TP.HCM.

Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm